Giai đoạn 2016 - 2020 các địa phương đăng ký 598 dự án PPP

(BĐT) - Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong giai đoạn 1997 - 2014, các bộ, ngành, địa phương đã ký kết và thực hiện hợp đồng PPP với tổng số 193 dự án. 
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn cho các dự án PPP là 254.054,717 tỷ đồng. Ảnh: Hoài Tâm
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nhu cầu vốn cho các dự án PPP là 254.054,717 tỷ đồng. Ảnh: Hoài Tâm

Giai đoạn từ 2015 đến nay, do mới triển khai Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP trong thời gian gần 2 năm nên số lượng các dự án PPP mới đã lựa chọn được nhà đầu tư và đi vào vận hành là rất hạn chế. 32 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày Nghị định số 15/2015/NĐ-CP có hiệu lực (10/4/2015) đến nay chủ yếu là các dự án được nghiên cứu và triển khai theo quy định cũ (Nghị định số 108/2009/NĐ-CP). 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông thì các bộ này hiện chưa triển khai dự án PPP nào theo quy định của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.

Đối với các địa phương, trong giai đoạn 2016 - 2020 có 18/63 địa phương đăng ký danh mục dự án PPP với tổng số 598 dự án, trong đó có 321 dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2016 - 2020, 277 dự án chuyển tiếp từ năm 2011 - 2015. Tổng nhu cầu vốn cho các dự án PPP là 254.054,717 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 16.863,617 tỷ đồng, vốn dự kiến do nhà đầu tư huy động là 237.191,099 tỷ đồng. Các dự án được đề xuất vẫn chủ yếu áp dụng hình thức BT (256 dự án), BOT (87 dự án), BLT (6 dự án), BOO (1 dự án), BTO (11 dự án), các dự án còn lại chưa xác định cụ thể loại hợp đồng.

Tin cùng chuyên mục