Tính đến ngày 5/6/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bắc Kạn đạt 20% kế hoạch năm |
Năm 2022, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Bắc Kạn là 2.647,981 tỷ đồng (chưa bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội). Trong đó, vốn ngân sách địa phương 564,95 tỷ đồng và vốn ngân sách trung ương được giao 2.083,031 tỷ đồng. Đến nay, nguồn vốn trên đã được giao chi tiết cho các sở, ngành và địa phương.
Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ giải ngân, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cho biết, năm 2022, Tỉnh chủ yếu triển khai dự án khởi công mới, do các dự án chuyển tiếp từ năm 2021 chỉ chiếm 6,9% tổng kế hoạch vốn. Phần lớn dự án khởi công mới vẫn đang ở giai đoạn khảo sát, thiết kế, thực hiện các thủ tục phục vụ giải phóng mặt bằng, các bước tổ chức lựa chọn nhà thầu nên giá trị giải ngân đạt thấp hoặc có những dự án chưa có khối lượng để giải ngân.
Các dự án chuyển tiếp có tổng kế hoạch vốn được giao là 961 tỷ đồng, trong đó Dự án Tuyến đường TP. Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang là công trình trọng điểm, chiếm đến 930 tỷ đồng. Tuy nhiên, Dự án được khởi công mới trong năm 2021, do đó, những tháng đầu năm chủ yếu thực hiện hoàn ứng giá trị năm 2021, chưa có khối lượng để giải ngân kế hoạch vốn năm 2022. Dự án cũng đang gặp vướng mắc liên quan đến đường phục vụ thi công, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai của các nhà thầu.
Bên cạnh đó, Bắc Kạn là tỉnh miền núi, có diện tích rừng và đất rừng chiếm tỷ lệ lớn nên trong quá trình đề xuất thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án giao thông, không tránh khỏi việc phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn các dự án. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan được Tỉnh nhìn nhận là do một số chủ đầu tư chưa chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác triển khai thực hiện dự án, vẫn áp dụng cách làm, trình tự cũ, dẫn tới hiệu quả không cao.
Trước thực trạng trên, từ tháng 4/2022 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo triển khai “ba đổi mới” trong công tác giải ngân. Đầu tiên, Tỉnh ủy Bắc Kạn yêu cầu Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy phải rút kinh nghiệm, kiểm điểm về việc chậm tiến độ giải ngân; đồng thời yêu cầu việc kiểm điểm công tác giải ngân phải được thực hiện tại các kỳ họp định kỳ. Đổi mới tiếp theo là yêu cầu các dự án phải được lên kịch bản chi tiết đến từng ngày. Tất cả các phần công việc thuộc dự án đầu tư được yêu cầu ấn định mốc thời gian hoàn thành dựa theo thời gian biểu cụ thể, buộc chủ đầu tư, nhà thầu chủ động và quyết liệt hơn trong triển khai. Bên cạnh đó, yêu cầu các chủ đầu tư đến ngày 30/6 phải hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp, giải ngân vốn đối với các dự án triển khai thi công trong đầu tháng 7/2022. Đồng thời, đưa một số công trình, dự án vào diện giám sát đặc biệt để theo dõi, đôn đốc về tiến độ hàng tuần, như: Dự án Tuyến đường TP. Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; Dự án Xây dựng sân vận động tỉnh Bắc Kạn và các hạng mục phụ trợ; Dự án Đường vào hồ Nặm Cắt, TP. Bắc Kạn; Dự án Hạ tầng giao thông khu vực hồ Ba Bể...
Qua 2 tháng thực thi loạt giải pháp cụ thể, tính đến ngày 5/6/2022, Bắc Kạn từ địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất cả nước đã vươn lên đạt 20% kế hoạch năm. Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn, mặc dù còn nhiều thách thức, song những chuyển biến này sẽ là “đòn bẩy” đưa tỷ lệ giải ngân của Bắc Kạn đến ngày 30/6 bằng bình quân chung cả nước.