Giải ngân nhiều chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi có xu hướng chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo báo cáo ngày 30/11/2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), thống kê sơ bộ giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đạt hơn 71,5 nghìn tỷ đồng.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Một số chính sách còn vướng mắc khi triển khai

Cụ thể, đối với các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến ngày 23/11/2022, ngân hàng này đã giải ngân thực hiện 5/5 chương trình tín dụng chính sách của Chương trình, đạt 11.886 tỷ đồng trên 19.000 tỷ đồng kế hoạch năm 2022 cho hơn 255 nghìn khách hàng vay vốn; đã hỗ trợ lãi suất cho vay cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác là 662 tỷ đồng.

Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đến ngày 20/11/2022, các địa phương đã thực hiện giải ngân khoảng 3.741 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho hơn 5,2 triệu người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.

Đối với chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho các khoản vay thông qua ngân hàng thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo đến cuối tháng 10/2022, các ngân hàng thương mại đã thực hiện hỗ trợ lãi suất gần 45 tỷ đồng cho dư nợ 21.000 tỷ đồng.

Đối với các chính sách miễn giảm thuế, phí; gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất: Đến ngày 27/11/2022, đã miễn, giảm các loại thuế, phí là 47.803 tỷ đồng. Đã gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất theo các nghị định của Chính phủ là 105.919 tỷ đồng. Chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua các chính sách gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất là 7,4 nghìn tỷ đồng (theo số liệu báo cáo từ tháng 6/2022).

Bộ KH&ĐT nhận định, việc thực hiện và giải ngân các chính sách thuộc Chương trình có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây. Đồng thời, các chính sách có khả năng thực hiện và giải ngân tốt như miễn, giảm thuế phí, cho vay tín dụng hỗ trợ việc làm… có xu hướng giải ngân chậm dần và sắp đạt mức kế hoạch đề ra, không còn nhiều dư địa để thực hiện. Một số chính sách như hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã hết thời gian thực hiện. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân chung của Chương trình trong năm 2022.

Về việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất còn hạn chế do một số nguyên nhân. Trong đó, các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành, xác định đối tượng khách hàng “có khả năng phục hồi”. Khách hàng có tâm lý e ngại công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Điều chỉnh nguồn lực cho các chính sách còn dư địa, hiệu quả

Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá cụ thể về những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, trên cơ sở đó sửa đổi các văn bản hướng dẫn, đề xuất các giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh chính sách đồng bộ nhằm bảo đảm hiệu quả và khả năng thực hiện hoặc điều chuyển nguồn lực còn lại chưa giải ngân sang chính sách khác để thực hiện.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phương án điều chuyển số tiền 2.800 tỷ đồng chưa thực hiện của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cho các chính sách khác còn dư địa thực hiện, bảo đảm phù hợp với phạm vi và đối tượng các chính sách đã được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đẩy mạnh quán triệt nội dung, cách thực hiện chính sách đến từng cấp, từng ngành, bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong triển khai. Nghiên cứu đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đã ban hành, không quy định các thủ tục phát sinh so với yêu cầu hoặc trên mức cần thiết, không tạo rào cản trong việc thực hiện chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, theo dõi sát sao tình hình thực hiện, chủ động rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, kịp thời có giải pháp tháo gỡ, trường hợp cần thiết nhanh chóng đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhanh chóng điều chỉnh nguồn lực giữa những chính sách không còn nhu cầu hoặc khả năng thực hiện để bổ sung cho chính sách hiệu quả, còn dư địa, bảo đảm phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế.

Tin cùng chuyên mục