Đến hết năm 2024, Bộ Giao thông vận tải phấn đấu giải ngân vốn nước ngoài khoảng 3.950 tỷ đồng, đạt trên 95% kế hoạch được giao. Ảnh: Hà Phong |
Tại Hội nghị với các bộ, ngành về tình hình giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài ngày 21/5, ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho biết, đến nay mới có 3/11 bộ, ngành có giải ngân là Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; 8/11 bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn 2024.
“Tiến độ giải ngân thấp vẫn xuất phát chủ yếu từ việc không có khối lượng hoàn thành để giải ngân, do chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư; dự án thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; công tác kế hoạch vốn chưa bám sát tiến độ triển khai của các dự án...”, ông Hiển nhận định.
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), đến 15/5/2024, nguồn vốn vay nước ngoài thuộc Kế hoạch đầu tư công năm 2024 giải ngân vẫn chỉ là con số 0 và đơn vị xin hủy vốn đối với số kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2023 (không sử dụng). Ông Đặng Thành Dũng, Phó Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính thuộc ĐHQGHN cho biết, hiện Trường đã phân bổ, nhập tabmis xong dự toán nguồn vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024, Ban Quản lý dự án World Bank của ĐHQGHN đã nhận được nguồn vốn đầu tư công nước ngoài năm 2024 trên dịch vụ công là 645.770 triệu đồng.
Ông Dũng cho biết, các vướng mắc trong triển khai thực hiện giải ngân chủ yếu đến từ yêu cầu từ nhà tài trợ và công tác thanh toán. Theo yêu cầu từ nhà tài trợ, một số hoạt động cần lấy ý kiến “Không phản đối - NOL” từ nhà tài trợ trước khi triển khai thực hiện như: kế hoạch tổng thể dự án, kế hoạch hàng năm, sổ tay vận hành dự án, kế hoạch đấu thầu đối với các gói thầu sử dụng vốn vay nước ngoài… Theo đó, thời gian triển khai các công việc này thường bị kéo dài do phải liên tục cập nhật, điều chỉnh.
Về công tác thanh toán, dự án sử dụng các nguồn vốn khác nhau nên việc kiểm soát công tác này mất nhiều thời gian do hồ sơ thanh toán được thẩm định, kiểm soát tại Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính trước khi gửi cho nhà tài trợ thanh toán cho nhà thầu. Điều này dẫn đến việc chậm thanh toán vốn cho nhà thầu tại một số thời điểm như các dịp nghỉ lễ, Tết của Việt Nam và dịp nghỉ lễ Giáng sinh, Tết dương lịch của nhà tài trợ. Theo đó, rủi ro kinh phí được cấp trong năm không được sử dụng hết rất dễ xảy ra, khả năng dự án bị huỷ dự toán và không cấp lại cho năm tiếp theo là rất cao. Do đó, đại diện ĐHQGHN kiến nghị, Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước có phương án hỗ trợ để công tác này được triển khai thuận lợi trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc Bộ GTVT cho biết, nguồn vốn nước ngoài Bộ GTVT được giao là 4.366,69 tỷ đồng. Bộ GTVT đã phân bố 100% kế hoạch vốn nước ngoài cho 12 dự án. Khối lượng hoàn thành đã kiểm soát chi đến ngày 15/5/2024 đạt 842,697 tỷ đồng của 10/12 dự án ODA được giao kế hoạch vốn nước ngoài, đạt 19,3%. Đến hết năm 2024, Bộ GTVT phấn đấu giải ngân khoảng 3.950/4.366,69 tỷ đồng, đạt trên 95% kế hoạch vốn nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ giao.
Dù tiến độ giải ngân tốt hơn nhiều các bộ, ngành khác, song Bộ GTVT cho biết vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện giải ngân vốn nước ngoài. Về thủ tục đề xuất dự án, Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu không thực hiện bước lập, phê duyệt Đề xuất chương trình, dự án, mà thực hiện luôn bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt để giảm bớt thủ tục, thời gian và nguồn lực chuẩn bị dự án.
Về điều chỉnh hiệp định vay vốn, đối với các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư dẫn đến điều chỉnh hiệp định vay vốn, Bộ GTVT đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng gộp trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư và điều chỉnh hiệp định vay khi trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện dự án. Đơn cử, đối với Dự án Kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, công tác thu hồi rừng, trồng rừng thay thế, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư bị chậm do thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng bị chậm và thiếu vốn. Công tác dời hệ thống điện của các công ty điện lực địa phương rất chậm.
Đại diện Bộ GTVT kiến nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Bắc bố trí vốn và chỉ đạo các công ty điện lực địa phương nơi có Dự án đi qua khẩn trương hoàn thành dời hệ thống điện. UBND các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái chỉ đạo, khẩn trương triển khai công tác thu hồi rừng, trồng rừng thay thế, GPMB, tái định cư.
Đối với Dự án Bến Lức - Long Thành, do không có nhà thầu Nhật Bản tham gia đấu thầu để hoàn thành khối lượng còn lại Gói thầu J3 nên Bộ GTVT đề nghị, Bộ Tài chính tiến hành các thủ tục để điều chỉnh hiệp định vay cho phép các nhà thầu Việt Nam tham gia đấu thầu. Bên cạnh đó, Bộ GTVT đang đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu phương án chủ động cân đối nguồn vốn để tiếp tục triển khai Dự án.