![]() |
Nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án đường bộ cao tốc đến năm 2030 là khoảng 728.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Khoảng 570 tỷ USD để phát triển hạ tầng
Theo tính toán của Tập đoàn Phát triển hạ tầng tư nhân (PIDG), tổng số tiền phục vụ nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng của Việt Nam từ nay đến năm 2040 là khoảng 570 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam khó có thể đáp ứng được nhu cầu vốn từ nguồn ngân sách nhà nước và các tổ chức tài chính trong nước. Theo đó, nhu cầu vay mượn hàng năm khoảng 5,8 đến 6,8 tỷ USD, tương đương hơn 100 tỷ USD đến 2040.
Thông tin từ Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Xây dựng) cho biết, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông đến năm 2030 khoảng 2.069 nghìn tỷ đồng, chưa bao gồm chi phí bảo trì hạ tầng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho các lĩnh vực hàng hải, đường sắt, hàng không khoảng 1.011 nghìn tỷ đồng (chiếm 48,9%).
Cụ thể, về cảng biển, quy hoạch định hướng đến 2030 có 36 cảng biển, trong đó có 3 cảng biển đặc biệt, 14 cảng loại I, 6 cảng loại II, 13 cảng loại III. Tầm nhìn đến 2050 sẽ đầu tư đồng bộ cảng, luồng hàng hải, công trình phụ trợ, hệ thống xếp dỡ và giao thông kết nối. Lĩnh vực đường sắt, quy hoạch định hướng đến 2030 có 16 tuyến đường sắt quốc gia với tổng chiều dài 4.820 km, trong đó đầu tư mới 9 tuyến với tổng chiều dài 2.362 km. Tầm nhìn đến 2050, có 25 tuyến với tổng chiều dài 6.354 km; hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Lĩnh vực hàng không, đến 2030 có 30 cảng hàng không, trong đó 14 cảng hàng không quốc tế, 16 cảng hàng không quốc nội; tầm nhìn đến 2050, phát triển thêm 3 cảng hàng không quốc nội.
Chỉ tính riêng lĩnh vực đường bộ, nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 900.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn cho các dự án đường bộ cao tốc khoảng 728.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 400.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến khoảng 328.000 tỷ đồng (bao gồm vốn cho các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2021 - 2025).
Các chuyên gia cho rằng, với quy mô vốn cần huy động như trên, việc kêu gọi các nguồn vốn khác để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cần có các cơ chế, giải pháp đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đồng quan điểm, ông Denesh Srishanker, Giám đốc toàn cầu Khối Tăng cường tín dụng của PIDG cho rằng, Việt Nam cần phát triển mạnh các cơ chế tài chính để thu hút và phân bổ hiệu quả nguồn vốn dài hạn vào các dự án hạ tầng bền vững có tính khả thi, huy động nguồn cung vốn ngày càng tăng từ các quỹ đầu tư tài chính quốc tế, hình thành các trung tâm tài chính quốc tế tầm cỡ. Cùng với đó, cần hướng tới huy động nguồn vốn từ các công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
Hấp dẫn tư nhân từ dự án mẫu
Do nhu cầu vốn cho dự án hạ tầng là rất lớn, trong khi lợi nhuận không cao, thời gian hoàn vốn dài, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị xem xét một số chính sách, giải pháp tạo sự hấp dẫn cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Cụ thể là điều chỉnh tăng tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu khoảng 15 - 18% tùy thuộc vùng, miền; hoặc quy định bằng 1,3 - 1,5 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng (tỷ suất lợi nhuận hiện nay khoảng 11 - 14% chưa thực sự hấp dẫn); thực hiện điều chỉnh giá, phí đường bộ đúng quy định của pháp luật, của hợp đồng, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội. “Trong chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư, cần bình đẳng, kịp thời để hấp dẫn doanh nghiệp. Chúng ta cần xây dựng các hợp đồng mẫu, từ các dự án mẫu mực để từ đó tạo nên niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế”, chuyên gia từ Cục Đường bộ Việt Nam khuyến nghị.
Để thúc đẩy phát triển hệ thống quỹ đầu tư, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này đã triển khai một số giải pháp trọng tâm, trong đó nghiên cứu ban hành quy định cho các loại quỹ mới như quỹ chỉ số, quỹ đầu tư thị trường tiền tệ, quỹ đầu tư trái phiếu hạ tầng…; khuyến khích doanh nghiệp niêm yết, phát hành trái phiếu cho các dự án PPP, phát triển trái phiếu xanh và thị trường tín chỉ carbon…; nâng hạn mức đầu tư của quỹ vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lên 15 - 20% và mở rộng kênh phân phối chứng chỉ quỹ…
Từ góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chia sẻ, 4 dự án BOT trên tuyến hiện hữu của Thành phố đang tích cực mời gọi nhà đầu tư tham gia. Theo ông Được, đây đều là những dự án trọng điểm, có tính kết nối cao, giảm thiểu tình trạng quá tải, xuống cấp cũng như nâng cao năng lực vận tải cho TP.HCM. Do đó, Thành phố sẽ xây dựng các mẫu hợp đồng đủ hấp dẫn, chia sẻ các rủi ro, dọn sẵn mặt bằng sạch để nhà đầu tư yên tâm bỏ vốn. Sự đồng hành của nhà đầu tư cùng Thành phố trong quá trình nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông cần sự chung tay của đầy đủ các cấp chính quyền, hệ thống tín dụng đủ mạnh và đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Ngoài ra, trong năm 2025, Thành phố sẽ triển khai hàng loạt dự án hạ tầng tầm cỡ như Cảng trung chuyển quốc tế Cần giờ, Đường Vành đai 4, cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, Đường Vành đai 2… Tất cả các dự án này đều có sự tham gia của khu vực tư nhân (gồm cả nhà đầu tư quốc tế).