Giải quyết “điểm nghẽn” trong môi trường đầu tư, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi các tỉnh thành công bố nới lỏng giãn cách, nhiều doanh nghiệp (DN) tăng tốc nối lại sản xuất. Với mục tiêu hỗ trợ DN phục hồi và tăng trưởng, tại Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển DN giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng là một trong số nhóm nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên hàng đầu hỗ trợ DN.
Một môi trường đầu tư, kinh doanh với những chính sách ổn định, an toàn và thuận lợi là rất cần thiết để giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động và phát triển. Ảnh: Lê Tiên
Một môi trường đầu tư, kinh doanh với những chính sách ổn định, an toàn và thuận lợi là rất cần thiết để giúp doanh nghiệp yên tâm hoạt động và phát triển. Ảnh: Lê Tiên

Môi trường kinh doanh còn điểm nghẽn, bất cập

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), kể từ cuối năm 2019 đến nay, hoạt động cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại. “Công tác cải cách điều kiện kinh doanh hay cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành không có nhiều chuyển biến, thậm chí, trong thời gian gần đây còn có dấu hiệu bị “cài cắm” ở một trong số các văn bản gây khó khăn cho DN”, bà Thảo cho biết.

Gần đây (ngày 11/10), 11 hiệp hội DN (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam; Hiệp hội Sữa Việt Nam; Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch…) đã gửi thư đề nghị Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe góp ý, kiến nghị của cộng đồng DN về một số nội dung bất cập lớn của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện trình Chính phủ.

Quan ngại nhất tại Dự thảo Nghị định, theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam là vấn đề thủ tục cấp giấy phép môi trường phức tạp; quy định phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động mà không rõ căn cứ, chưa có đánh giá tác động của thực tiễn… Những nội dung này không chỉ gây khó khăn mà phát sinh thủ tục hành chính, tăng chi phí cho DN”, ông Nam cho biết.

Trước đó, trong Báo cáo về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được CIEM công bố hồi tháng 8/2021 đã chỉ ra, môi trường đầu tư, kinh doanh Việt Nam vẫn còn bất cập. Đặc biệt, chính sách, pháp luật thiếu tính ổn định; năng lực soạn thảo chính sách, pháp luật đâu đó còn hạn chế; có tình trạng lồng ghép lợi ích trong soạn thảo văn bản pháp luật… Chính bởi còn những “điểm nghẽn”, “rào cản” này chưa được tháo gỡ nên một nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế ở khu vực kinh tế tư nhân chưa được khơi thông.

Tháo nút thắt, khơi thông nguồn lực

Tại Dự thảo Nghị quyết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập làm cản trở DN phát triển.

Cụ thể, trong giai đoạn này, Chính phủ tập trung giải quyết các điểm nghẽn, bất cập như: tiêu chuẩn về môi trường; chuyển đổi mục đích sử dụng đất; cơ chế ưu đãi về thuế, phí gắn với các ngành, lĩnh vực trọng tâm quốc gia và xu thế thúc đẩy DN đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hải quan… Cùng với đó là tăng cường tổ chức các buổi đối thoại giữa DN và chính quyền địa phương; chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra trùng lặp tại DN, nhũng nhiễu DN.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách thể chế trong môi trường kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, đây chính là giá đỡ, là hỗ trợ lớn nhất cho DN, bởi chỉ trong một môi trường với những chính sách ổn định, an toàn và thuận lợi thì DN mới yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, cần tiếp tục tập trung vào việc xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh đáp ứng yêu cầu này.

Dưới góc độ là một nhà đầu tư, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận cho biết, hiện chỉ còn 15 ngày nữa là kết thúc chính sách cơ chế giá FIT đối với các dự án điện gió, tuy nhiên, sẽ có rất nhiều dự án không thể “về đích”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn chưa công bố chính sách “gối đầu” cơ chế giá FIT là gì nên nhà đầu tư tương lai của những dự án dở dang chưa biết sẽ ra sao. Hơn nữa, với những dự án mới triển khai sau năm 2021, sẽ khó triển khai được do chưa rõ chính sách mới để có thể lập dự án đầu tư… “Vì thế, DN rất cần một chính sách dài hơi để yên tâm đầu tư, nhất là ở những ngành nghề như năng lượng, do quá trình đầu tư lâu dài. Chính sách mà ngắn, không rõ ràng… dễ làm nhụt chí nhà đầu tư”, ông Thịnh bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục