Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng BOT hạ tầng trước hết nên được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Ảnh: Lê Tiên |
Củng cố niềm tin cho nhà đầu tư
Hợp đồng BOT hạ tầng có thời gian dài, nhiều rủi ro, sự tham gia của nhiều bên, bị tác động bởi nhiều vấn đề về chính trị, xã hội, nên trong quá trình thực hiện hợp đồng dễ xảy ra tranh chấp, đặc biệt giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước. Theo Luật sư Shiro Muto, Công ty Luật Nishimura & Asahi - một trong những công ty luật hàng đầu của Nhật Bản, vấn đề luật áp dụng để giải quyết khi có tranh chấp là vấn đề được nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm và giảm bớt rủi ro cho hợp đồng dự án.
Điều 67 Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã quy định về giải quyết tranh chấp. Trong đó, tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án và tranh chấp giữa doanh nghiệp dự án với các tổ chức kinh tế tham gia thực hiện dự án trước hết phải được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không giải quyết được bằng thương lượng, hòa giải, các bên có thể đưa vụ tranh chấp ra giải quyết tại tổ chức trọng tài hoặc tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trường hợp tranh chấp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp dự án do nhà đầu tư nước ngoài thành lập theo quy định tại Điều 38 nghị định này trong quá trình thực hiện hợp đồng dự án và các hợp đồng bảo lãnh theo quy định tại Điều 61 nghị định này được giải quyết thông qua tổ chức trọng tài hoặc tòa án Việt Nam hoặc hội đồng trọng tài do các bên thỏa thuận.
Dù Nghị định 63/2018/NĐ-CP quy định như trên, nhưng ông Shiro Muto cho rằng, theo quy định của pháp luật Việt Nam, tranh chấp liên quan đến bất động sản phải giải quyết tại tòa án Việt Nam. Dự án BOT xây dựng hạ tầng kỹ thuật chắc chắn liên quan đến bất động sản, vì thế tất cả các tranh chấp liên quan đến BOT đều có thể được diễn giải ra là liên quan đến bất động sản và phải áp dụng luật trong nước. Trong khi các tổ chức tín dụng nước ngoài chưa yên tâm về tính ổn định, có thể tiên liệu được của hệ thống pháp luật Việt Nam, nên chắc chắn trong bối cảnh hiện nay sẽ rất khó cho vay các dự án hạ tầng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, theo đại diện Vụ Pháp luật quốc tế thuộc Bộ Tư pháp, không chỉ riêng Việt Nam mà nguyên tắc cơ bản của tư pháp quốc tế khi tranh chấp về bất động sản, thẩm quyền chỉ thuộc tòa án trong nước; các tranh chấp khác về cơ bản có thể sử dụng trọng tài quốc tế.
Song với thực tế của Việt Nam, khi tổ chức tín dụng nước ngoài chưa đủ niềm tin vào hệ thống pháp luật, tư pháp trong nước, ông Shiro Muto cho rằng, Việt Nam cần củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng nước ngoài thông qua việc xét xử những vụ án cụ thể, tạo án lệ tốt để ngân hàng quốc tế tin tưởng.
Xây dựng hợp đồng dự án tốt để hạn chế tranh chấp
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, Chính phủ Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư nước ngoài cần có tinh thần tiếp cận một cách cởi mở, có sự thấu hiểu, tin tưởng và tìm cách tháo gỡ vướng mắc để có thể triển khai được dự án. Việt Nam đã có rất nhiều nỗ lực và bước tiến lớn để hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn đối với nhà đầu tư. Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng đang trong lộ trình xây dựng, khi được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài.
Từ kinh nghiệm quốc tế, nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp gốc rễ để hạn chế xảy ra tranh chấp vẫn là xây dựng một hợp đồng dự án tốt, cần đầu tư thời gian và nguồn lực trong giai đoạn chuẩn bị để tránh những điểm mơ hồ trong hợp đồng PPP; tránh tình trạng ký kết vội vàng; cần thực hiện trao hợp đồng PPP một cách cạnh tranh. Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc thiết lập một cơ chế quản lý hợp đồng nhượng quyền hiệu quả.
Trong số các phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng PPP khi hòa giải và thương lượng không thành công, TS. Ned White - chuyên gia quốc tế về PPP - cho biết, cơ chế giải quyết qua trọng tài có nhiều ưu điểm. Không giống như hòa giải, phán quyết của trọng tài có hiệu lực hơn, cả hai bên cam kết tuân theo phán quyết của trọng tài. Trọng tài giống như một tòa án nhưng lại có ưu điểm là quy trình giải quyết nhanh gọn, ít tốn kém hơn so với tranh tụng chính thức tại tòa án. Chuyên gia quốc tế này cho biết, đối với các tài trợ dự án lớn, có yếu tố nhà đầu tư nước ngoài và bên cho vay nước ngoài, cơ chế giải quyết tranh chấp cho các hợp đồng PPP thường đòi hỏi áp dụng luật pháp của nước thứ ba.