Giải tỏa “cơn khát” lao động để thúc đẩy sản xuất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo dự báo, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành, địa phương là một trong 5 nhóm khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) sẽ phải đối mặt vào các tháng cuối năm 2022 và trong thời gian tới. Vậy, đâu là nguyên nhân và giải pháp để khắc phục?
Nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực do người lao động chưa quay trở lại làm việc sau đợt dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực do người lao động chưa quay trở lại làm việc sau đợt dịch Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Sau 2 năm xảy ra dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho biết, nhiều lao động đã chuyển dịch sang ngành nghề khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng lao động có kinh nghiệm và trình độ. Mặc dù Chính phủ đã có những gói hỗ trợ cho người lao động nhưng hầu hết đều có quy mô nhỏ, không tác động lớn đến sự thay đổi để phục hồi ngành du lịch.

Đơn cử như gói hỗ trợ về tài chính có tác dụng quá ngắn, chủ yếu là trong giai đoạn dịch, thị trường “ngủ đông”. Đối với gói hỗ trợ 2% lãi suất cho vay, đến thời điểm này, các DN trong ngành hầu như không tiếp cận được vì có nhiều rào cản. Hay chính sách về xăng dầu, các hãng bay không được hưởng lợi ngay lập tức, vì cơ cấu giá áp dụng thường chậm sau 1 tháng. Chính vì vậy, theo ông Kỳ, chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế đặt ra trong năm nay là khó khả thi, nhất là trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn…

Đối với ngành xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, cùng với tác động của bão giá vật liệu xây dựng, các DN trong ngành xây dựng đang gặp rất nhiều khó khăn về nhân lực do hậu quả của Covid-19. Theo thống kê, năm nay, những DN khá trong ngành có thể chỉ đạt 80 - 90% kế hoạch doanh thu và sản lượng; những DN còn lại đều không đạt yêu cầu, hoặc không có việc, đứng trước nguy cơ phá sản. Thậm chí, có những DN đạt doanh thu quý II/2022 đến 3.000 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận chưa đến 10 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, quy định tăng mức lương tối thiểu vùng là một trong những áp lực đối với DN, nhất là những ngành thâm dụng lao động, do phải tăng các khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương, trong khi giá bán không thể thay đổi đối với đơn hàng đã ký kết…

Đồng thuận với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, hiện định mức đơn giá tiền lương áp dụng đối với công nhân xây dựng là từ 213.000 đồng - 335.000 đồng/ngày; kỹ sư xây dựng là 213.000 - 345.000 đồng/ngày. Trong khi thực tế, DN xây dựng thường phải chi trả cho công nhân từ 350.000 - 500.000 đồng/ngày… Không những vậy, ở một số địa phương, định mức đơn giá tiền lương được công bố từ năm 2019, cho đến nay không có sự thay đổi nào. Do đó, có tình trạng một số DN không muốn nhận các dự án đầu tư công.

Với người lao động trong lĩnh vực y tế, theo PGS. TS. Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, các cơ sở y tế tư nhân thường được trang bị đầy đủ, môi trường làm việc tốt với thu nhập cao. Do đó, rất khó giữ chân người lao động ở lại bệnh viện công, nhất là đội ngũ bác sĩ giỏi, lành nghề.

Xác định tình trạng khan hiếm lao động cục bộ là vấn đề đáng quan tâm hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương tổ chức hội nghị để bàn giải pháp khắc phục trong năm nay. Bên cạnh đó, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, tại Hội nghị đối thoại với DN, Thủ tướng cũng kêu gọi các tổ chức hiệp hội cần phát huy vai trò kết nối các DN thành viên, cùng hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn.

Để giải bài toán khan hiếm lao động, trước mắt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai chính sách, giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt tiến độ thẩm tra, giải ngân gói hỗ trợ nhà trọ cho người lao động; hướng dẫn cụ thể tạo thuận lợi cho người lao động và DN thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có chính sách hỗ trợ DN thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường…

Về phía DN, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, thị trường du lịch sau dịch là thị trường mới hoàn toàn. Do đó, muốn tồn tại thì ngành du lịch phải thay đổi, từ DN, chuỗi cung ứng dịch vụ cho đến người lao động. Nhưng muốn có nguồn lực cho tái cấu trúc, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đặc thù hơn cho ngành du lịch.

Ông Lê Quốc Hiệp cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng sớm nghiên cứu, bổ sung, thay đổi hệ thống định mức đơn giá phù hợp với thực tế thị trường nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN ngành xây dựng.

Tin cùng chuyên mục