Giảm áp lực nợ cho DN bất động sản, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản (BĐS) lành mạnh, bền vững được các chuyên gia, nhà quản lý đề xuất tại Hội nghị do Chính phủ tổ chức cuối tuần qua. Tuy nhiên, để góp sức hướng thị trường BĐS tiến đến cái đích lành mạnh, bền vững, dư luận cần hiểu đúng về các giải pháp, trong đó có giải pháp giảm gánh nặng nợ của DN BĐS hiện nay.
Hiện dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cả nền kinh tế khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó, khối doanh nghiệp bất động sản khoảng 400.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Hiện dư nợ trái phiếu doanh nghiệp cả nền kinh tế khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó, khối doanh nghiệp bất động sản khoảng 400.000 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Giảm gánh nặng nợ, cần mạnh mẽ cắt những “khối u”

Mấy ngày nay, thị trường rộ lên thông tin sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP, thị trường BĐS sẽ được cứu. Tuy nhiên, để hiểu đúng vấn đề, cần nhận diện rõ phạm vi điều chỉnh của Nghị định 65.

Thứ nhất, Nghị định 65 được Chính phủ ban hành để điều chỉnh việc phát hành trái phiếu DN (TPDN) riêng lẻ của mọi ngành nghề trong nền kinh tế, chứ không riêng khối DN BĐS. Ngoài các DN BĐS phát hành trái phiếu, có rất nhiều DN sản xuất khác phát hành TPDN (hiện dư nợ TPDN cả nền kinh tế khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó, khối DN BĐS khoảng 400.000 tỷ đồng). Tại sao các DN khác không gặp vấn đề như DN BĐS? Do đó, sẽ công bằng hơn nếu thực hiện một báo cáo đầy đủ về tác động của Nghị định 65 đến tất cả các DN trong nền kinh tế khi tiến hành sửa Nghị định, trong đó khối DN BĐS chỉ là một cấu phần.

Việc DN BĐS rơi vào tình trạng nợ vượt quá khả năng quản trị (nợ ngân hàng 2,58 triệu tỷ đồng; nợ TPDN trên 400.000 tỷ đồng) lỗi do đâu? Chắc chắn không phải do lỗi của Nghị định 65 hay một văn bản pháp lý nào, mà lỗi chính là từ phía DN, với tư duy kinh doanh “bóc ngắn cắn dài”, huy động vốn vô tội vạ. Lỗi từ DN, nên giải pháp phải từ chính DN. Dù Chính phủ có sửa Nghị định 65, nới một số quy định cho DN tiếp cận vốn đại chúng, nhưng nhiều ý kiến vẫn không đồng tình với việc giãn thời hạn xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp mua TPDN đến ngày 1/1/2024. Trong những lúc rối ren như hiện nay, thị trường phải được quy định chặt chẽ, minh bạch.

Thứ hai, vận hành thị trường phải đi kèm với việc nâng cao nhận thức từ cơ quan quản lý cho đến các thành viên tham gia. Nếu DN BĐS tiếp tục nhìn nhận tín dụng là "nguồn sữa" chính thì không thể nào có giải pháp huy động vốn dài hạn cho phát triển. Vốn ngân hàng chỉ là giải pháp ngắn hạn, cứu cánh dài hạn phải từ thị trường vốn. Tuy nhiên, để huy động từ thị trường vốn, DN phải có trách nhiệm với đồng vốn của công chúng, bằng cách phải nỗ lực tạo ra và nuôi dưỡng nguồn thu của chính mình.

TS. Đinh Trọng Thịnh, trong một chia sẻ gần đây cho rằng, thị trường BĐS và DN BĐS đang trong cơn bệnh trọng, cần một cuộc đại phẫu thay đổi căn bản về cách thức hoạt động, vận hành, chứ không phải “bơm máu” để thoi thóp. Càng “bơm máu” thì khi căn bệnh phát ra thì càng vô phương cứu chữa. Cần để các dự án, các DN BĐS yếu kém được tái cơ cấu lại, mua bán, sáp nhập bởi những nhà đầu tư có tiềm lực. Cần quản lý mức đầu tư và tín dụng của tổ chức tín dụng vào BĐS để tránh tập trung quy mô, đầu tư DN sân sau, hạn chế nguy cơ đổ vỡ hàng loạt. Về phía Chính phủ, giải pháp căn cơ nhất là “hỗ trợ DN hoàn thành thủ tục pháp lý nhanh gọn”. Tức là cải cách thể chế, giảm phiền hà, sách nhiễu và các chi phí bôi trơn khác.

Cân nhắc đổi nợ trái phiếu thành sản phẩm hoặc cổ phiếu

Để giảm khối nợ trái phiếu mà các DN BĐS sắp đến kỳ phải trả (trên 400.000 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2022), nhiều ý kiến đề xuất giải pháp đổi TPDN thành sản phẩm BĐS hoặc cổ phiếu. Giải pháp này mới nghe thấy rất hay, nhưng để thực thi được, cần có phân tích rõ hơn về lợi ích và bất lợi giữa các đối tượng, nhất là với nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.

Nếu chuyển TPDN thành sản phẩm BĐS, cần cân nhắc những điểm sau:

Khi chuyển đổi, cả trái chủ tổ chức và trái chủ cá nhân đều phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế thu nhập khi bán sản phẩm BĐS. Tuy nhiên, đối với trái chủ tổ chức, họ có thể hạch toán thuế VAT được khấu trừ, cũng như đăng ký kinh doanh thêm mảng BĐS thì có thể kê khai nộp thuế thu nhập từ bán BĐS như một sản phẩm kinh doanh bình thường.

Đối với trái chủ cá nhân: Đầu tư trái phiếu thông thường chỉ phải trả lãi 5% trên trái tức và không phải nộp thuế gì khác. Tuy nhiên, nếu đổi trái phiếu thành sản phẩm BĐS, nhà đầu tư sẽ phải nộp thuế VAT (10%) và thuế trước bạ (2%) trên toàn bộ số tiền đã mua trái phiếu chuyển sang nhận BĐS. Số thuế này (10%) có khi vượt qua cả trái tức danh nghĩa. Thêm vào đó, khi bán sản phẩm BĐS để thu tiền về, nhà đầu tư cũng phải mất thuế thu nhập cá nhân do bán BĐS (21%). Tổng chi phí quá lớn cho một khoản đầu tư trái phiếu.

Nếu chuyển đổi TPDN thành cổ phần của DN BĐS, cũng cần cân nhắc một số vấn đề.

Đối với trái chủ tổ chức, họ thường đầu tư với quy mô lớn. Nếu khoản đầu tư chuyển thành cổ phần, trái chủ tổ chức có cơ hội để tham gia điều hành DN, có khả năng tái cơ cấu DN và đem cầm cố cổ phần của DN BĐS phục vụ mục tiêu đòn bẩy tài chính của họ. Lợi nhuận nếu có cũng có thể hạch toán về DN mẹ để tránh thuế.

Trong khi đó trái chủ cá nhân thường là nhà đầu tư nhỏ lẻ, không đủ sức tham gia hay có vai trò gì trong quá trình tái cơ cấu DN BĐS. Nếu DN tái cơ cấu không thành công, nhà đầu tư - cổ đông sẽ mất đi quyền truy đòi DN về nghĩa vụ trả nợ, trừ trường hợp chuyển sang cổ phần ưu đãi hoàn lại. Tuy nhiên, lúc đó thì quyền truy đòi của cổ đông ưu đãi hoàn lại vẫn xếp sau tất cả các chủ nợ khác. Ngoài ra, khi chuyển sang cổ phần, nếu bán cổ phần để thu hồi vốn nhà đầu tư sẽ mất 0,1% tiền thuế thu nhập cá nhân, thay vì đợi đáo hạn lấy lại vốn gốc trái phiếu thì không bị mất thuế.

Với định nghĩa rủi ro là những gì không lường trước, có thể thấy, giải pháp chuyển đổi TPDN sang sản phẩm hoặc cổ phiếu sẽ khiến rủi ro cho trái chủ tăng lên. Điểm khác biệt chỉ là trái chủ tổ chức có biện pháp để hóa giải rủi ro, còn trái chủ cá nhân không có cách nào để hóa giải rủi ro.

Tin cùng chuyên mục