Giảm chi phí logistics để tăng cạnh tranh

(BĐT) - Chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, khi rào cản này được tháo gỡ, chắc chắn năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tăng lên.
Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa cao nên khó thắng thầu quốc tế. Ảnh: Nhã Chi
Khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam chưa cao nên khó thắng thầu quốc tế. Ảnh: Nhã Chi

Chi phí cao kéo giảm sức cạnh tranh

Hoạt động logistics, kết nối hiệu quả và tối ưu là yếu tố quan trọng bảo đảm năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Điều này sẽ giúp Việt Nam tăng năng suất để đạt được các mục tiêu phát triển. Tuy nhiên, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2017 diễn ra sáng ngày 15/12/2017, ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá, về tỷ lệ so với GDP, chi phí logistics của Việt Nam là 18%, cao gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn mức bình quân toàn cầu là 14%.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN logistics Việt Nam nhấn mạnh, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15 - 16%/năm. Song, chi phí logistics còn ở mức cao, tương đương 20,8% GDP (các nước phát triển từ 9 - 14%). Theo chỉ số hoạt động LPI của Ngân hàng Thế giới 2014, Việt Nam xếp hạng 53 và 2016 xếp hạng 64/160 nước, đứng thứ 4 trong các nước ASEAN.

Trước đó, khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho thấy, chi phí vận chuyển 1 container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội (khoảng 100 km), đắt gấp ba lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Bên lề Diễn đàn, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thừa nhận: “Ở thời điểm này, một container chở hàng từ cảng Sài Gòn ra cảng Hải Phòng có chi phí khoảng 4 triệu đồng/lượt, trong khi vận tải đường bộ có thể lên tới 30 triệu đồng/lượt. Tuy nhiên, do những điều kiện chủ quan và khách quan nên các loại hình dịch vụ logistics khác chưa được đầu tư, phát triển giúp kéo giảm chi phí logistics”, ông Trung nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, còn nhiều hạn chế trong ngành logistics từ nhiều năm nay chưa giải quyết được. Đó là công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực; năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam chưa cao... 

Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công cuộc đổi mới nhằm bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, logistics phải được coi là ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Theo hướng này, tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nếu chỉ thực hiện nguyên Quyết định 200/QĐ-TTg là chưa đủ, bởi quá trình hội nhập và phát triển kinh tế rất đa dạng, có nhiều nội dung mới cần được cập nhật, bổ sung để phát triển ngành này một cách tốt nhất.

Gợi ý cho Việt Nam, ông Ousmane Dione cho rằng, Chính phủ cũng như khối kinh tế tư nhân cần có lộ trình rõ ràng về cải cách nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo những đòi hỏi tăng lên của một nền kinh tế ngày càng hiện đại. Trên cơ sở đó, 4 giải pháp chính cho hoạt động này được  ông Ousmane Dione đề xuất, bao gồm: tăng cường kết nối; tăng cường tạo thuận lợi thương mại; tăng cường phối hợp, cộng tác liên ngành với DN; theo dõi và đo lường được tiến độ cải cách.

Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, để giảm được chi phí logistics, không chỉ phát triển kết cấu hạ tầng và dịch vụ logistics trong nước, mà còn cần phải giảm được các chi phí liên quan đến các thủ tục hải quan, chi phí vận tải trong nước và quốc tế; chi phí thuê kho bãi..., trong đó có thủ tục kiểm tra chuyên ngành và cả những chi phí không chính thức.

Đánh giá về khả năng thắng thầu của các DN logistics nội, ông Trung cho rằng, hiện nay, các DN logistics của Việt Nam phát triển rất mạnh, cả về lượng và chất. Tuy nhiên, để thắng thầu trong các dự án quốc tế, rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, sự hợp tác giữa DN Việt Nam với đối tác nước ngoài.

“Chính phủ có thể hỗ trợ các đội tàu trong nước bằng cách dành 20 - 30% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu cho đội tàu trong nước hoặc tổ chức đấu thầu trong nước thay vì đấu thầu quốc tế, bởi khi đấu thầu quốc tế thì thực tế là năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam chưa cao”, ông Trung đề xuất.