Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Quá đắt đỏ
Mục tiêu giảm chi phí logistics mới được Bộ Công Thương đưa ra trong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Theo đó, đến năm 2020, chi phí logistics giảm xuống tương đương 18% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI đạt thứ 55 trên thế giới, tốc độ tăng trưởng dịch vụ sẽ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 40%.
Nếu so sánh giữa mục tiêu đề ra với thực tế hoạt động của dịch vụ logistics ở Việt Nam sẽ thấy rõ sự đắt đỏ trong chi phí logistics đang là “điểm nghẽn” lớn hiện nay. Tổng chi phí logistics tại Việt Nam, bao gồm chi phí vận chuyển, lưu kho, kho bãi, thủ tục hải quan và các công việc giấy tờ khác, hàng năm lên đến 37 - 40 tỷ USD. Điều này khiến cho ông Nestor Sherbey, chuyên gia tư vấn của Liên minh Tạo thuận lợi thương mại Việt Nam (VTFA) nhận xét đây là một sự lãng phí lớn, vượt cả tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ cách đây 2 năm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015, chi phí logistics ở Việt Nam tương đương 20,9% GDP. Điều này được cho là đã làm giảm tính cạnh tranh về chi phí của các DN Việt Nam. Dẫn số liệu báo cáo tình hình hoạt động logistics ở châu Á hồi năm ngoái, ông Nestor Sherbey cho biết, chi phí logistics ở Việt Nam ở mức cao nhất trên thế giới, trong khi đó, tỷ lệ này ở Mỹ, EU và phần còn lại của thế giới lần lượt tương ứng là 9%, 13% và 15% GDP.
Có giảm được không?
Theo ông Herb Cochran, nếu như năm 2013 phải mất đến 21 ngày cho việc kê khai hàng hóa từ phía Việt Nam, thì đến năm 2015 đã rút ngắn còn 12 ngày và trong năm 2016 giảm còn 10 ngày. Tuy nhiên, trong cam kết giữa các quốc gia thành viên TPP, đến năm 2018, bắt buộc Việt Nam phải giảm mạnh thời gian kê khai hàng hóa xuất khẩu còn 48 giờ. Và điều ông lưu ý thêm là để kéo giảm chi phí và tăng trưởng bền vững thì Việt Nam cần phát triển các phương tiện vận chuyển mới trong dịch vụ logistics.
Theo số liệu về ngành logistics của WB, Việt Nam đang đứng thứ 48 trong tổng số 160 quốc gia, nhưng lại đứng thứ 4 từ dưới đếm lên trong khu vực ASEAN, chỉ hơn Indonesia, Lào, Campuchia. Giới chuyên gia hy vọng trong 2 năm tới, thứ hạng của logistics Việt Nam sẽ cải thiện nếu có chiến lược phát triển hiệu quả.
Một chuyên gia về losistics của Thái Lan lưu ý rằng, việc phát triển kinh tế ở Việt Nam sẽ phụ thuộc rất nhiều vào ngành logistics và việc phát triển toàn diện lĩnh vực này sẽ đóng vai trò then chốt cho phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là trong tăng trưởng xuất khẩu. Thế nhưng, vốn đầu tư cho lĩnh vực này ở Việt Nam vẫn còn quá khiêm tốn, trong khi yêu cầu chiến lược đặt ra trong ít nhất 5 năm tới cho logistics là cần phải có số vốn hàng tỷ USD.