Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Rà soát những khoản “tính thừa”
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản hỏa tốc yêu cầu các nhà đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức hợp đồng BOT tạm dừng tăng phí đường bộ và giãn thời gian thu phí tối đa đối với các trạm thu phí BOT trong khi chờ rà soát, tính đúng, tính đủ giá thành, chi phí đầu tư.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu các phương án điều chỉnh giảm mức phí, giãn thời gian tăng phí và rút ngắn thời gian thu phí từ nguồn kinh phí còn dư của dự án; không bổ sung hạng mục vào dự án hoặc đầu tư các dự án, hạng mục theo kiến nghị của địa phương dẫn đến việc đầu tư một nơi, thu phí một nẻo.
Trong khi chờ đợi những phương án được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ cần nhìn vào những khoản “tính thừa” hàng trăm, nghìn tỷ đồng chi phí đầu tư dự án đã thấy cơ sở cho giảm phí BOT. Trong hội thảo gần đây về BOT giao thông, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định, hoàn toàn có cơ sở để giảm mức phí. Theo bà Mai, trước mắt, không cần chờ quyết toán tất cả các dự án, mà các khoản chi phí dự phòng, chi phí quản lý dự án, lãi vay… hoàn toàn có khả năng rà soát được ngay và đây là cơ sở để giảm mức phí hoặc giảm thời gian hoàn vốn. Bà Mai cũng đề nghị Bộ GTVT nhanh chóng quyết toán các dự án BOT, giảm mức đầu tư để giảm mức phí.
Trên thực tế, từ nhiều dự án BOT đã thực hiện và đưa vào thu phí, có thể thấy rất nhiều dự án BOT bị “thổi” tổng mức đầu tư. Tổng mức đầu tư là cơ sở để xác định thời gian thu phí và mức phí ban đầu để nhà đầu tư tính toán phương án tài chính, sau khi quyết toán, thời gian thu phí sẽ được điều chỉnh lại. Tuy nhiên, có những dự án đi vào thu phí khi chưa được quyết toán xong, nên việc tính sai, tính thừa ở bước lập tổng mức đầu tư sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mức phí trong thời điểm hiện nay. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi trả lời phỏng vấn báo chí mới đây đã khẳng định, Bộ Tài chính đang rà soát lại tất cả các dự án BOT theo chỉ đạo của Chính phủ, trong đó có việc rà soát lại tổng mức đầu tư, các khoản chi phí, và tính toán lại mức phí dựa trên giá trị quyết toán công trình chứ không dựa trên dự toán như hiện nay.
Bớt làm BOT theo phong trào
Trong phong trào làm BOT giai đoạn vừa qua, nhà đầu tư đổ xô làm BOT đường bộ, đã dẫn đến gánh nặng phí BOT đường bộ như hiện nay, vì tại Việt Nam, đối với giao thông nội địa, vận tải đường bộ vẫn chiếm ưu thế. Theo tổng hợp của Bộ GTVT, trong tổng số 62 dự án đã huy động vốn giai đoạn 2011 - 2015 theo hình thức BOT, có đến 57 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ, ngoài ra còn có 18 dự án BOT đường bộ khởi công trước năm 2011, hoàn thành trong giai đoạn 2011 - 2015. Chỉ có 4 dự án thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa, hàng hải và lĩnh vực khác thu hút được nhà đầu tư BOT.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng, nhà đầu tư có lý do của họ khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực nào. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý nhà nước, cần phải tính toán phân bổ nguồn vốn cho sự phát triển đồng bộ thay vì chỉ chú trọng phát triển đường cao tốc, đường bộ. Ông Thiên kiến nghị, cần phải bàn lại chuyện phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực trong 5 năm tới.
Nhà đầu tư có lợi mới làm, lĩnh vực nào nhiều lợi ích thì doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều. Vấn đề là quy hoạch đầu tư, phân bổ nguồn lực, chiến lược thu hút đầu tư tư nhân phải được cơ quan nhà nước xác định dựa trên nhu cầu thực tế và sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp, sự phát triển của nền kinh tế. Nếu BOT cứ ồ ạt vào đường bộ, gánh nặng phí sẽ còn là vấn đề nan giải.
Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khuyến nghị, không nên đầu tư đường theo BOT bằng mọi giá, mà phải cân nhắc sao cho vừa sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp vận tải.