Giảm phí BOT, người mừng, kẻ lo

(BĐT) - Mức phí BOT sẽ được giảm từ 10 - 20% nếu phương án giảm phí BOT tại 29 trạm của Liên bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tài chính được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Trong khi các hiệp hội vận tải đánh giá đây là việc cần làm, thể hiện thái độ lắng nghe và tiếp thu của Chính phủ thì một số nhà đầu tư BOT lại cho rằng, việc này sẽ đẩy nhà đầu tư BOT vào nguy cơ “vỡ phương án tài chính hoàn vốn dự án”.
Giảm phí BOT khiến nhà đầu tư lo ngại phải đối mặt với nguy cơ rủi ro tài chính. Ảnh: Lê Tiên
Giảm phí BOT khiến nhà đầu tư lo ngại phải đối mặt với nguy cơ rủi ro tài chính. Ảnh: Lê Tiên

Giảm phí BOT là đúng

Mới đây, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 8302/BTC-CST gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm phí BOT tại 29 trạm thu phí theo mức thu quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC với mức giảm từ 10 - 20%. Việc giảm phí này dựa trên cơ sở giá trị triển khai dự án BOT thấp hơn dự toán.

Theo số liệu của Bộ GTVT, hiện trên hệ thống quốc lộ và cao tốc có 86 trạm thu phí do Bộ này quản lý, trong đó có 74 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và 12 hệ thống thu phí trên đường cao tốc. Tuy nhiên, trong 74 trạm thu phí nêu trên thì có 45 trạm đang thu phí, 29 trạm chưa thu thuộc các dự án đang đầu tư. Trong số 45 trạm đang thu phí thì có 16 trạm thu theo mức quy định tại Thông tư 90/2004/TT-BTC (Bộ Tài chính đề xuất không giảm phí với các trạm này vì mức thu này thấp), còn lại 29 trạm thu theo mức thu quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC. Trong số 29 trạm thu phí này thì có 5 trạm có mức thu cao nhất gồm: 2 trạm trên Quốc lộ 5 (Hải Phòng), 2 trạm thu phí cầu Bến Thủy Quốc lộ 1, tỉnh Nghệ An và Trạm cầu Gianh Quốc lộ 1 (Quảng Bình).

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội khẳng định, việc giảm phí BOT là chủ trương rất đúng đắn. Hiệp hội Vận tải rất hoan nghênh, vui mừng vì Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành liên quan đã nhanh chóng tiếp thu và xem xét rất nhanh nguyện vọng, đề xuất của doanh nghiệp vận tải, của người dân một cách hợp tình, hợp lý. Ông Liên cho rằng, việc giảm phí không chỉ là bài toán tài chính giữa doanh nghiệp vận tải với nhà đầu tư BOT, vì trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu giữ nguyên mức thu phí BOT, người dân cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề tỷ lệ giảm phí BOT bao nhiêu là hợp lý, ông Liên cho rằng, cần phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng để bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp, phù hợp với mức tăng trưởng của nền kinh tế.

Giảm phí BOT sẽ đẩy “khó” cho nhà đầu tư?

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư BOT khẳng định, việc giảm phí BOT là chủ trương của Chính phủ nên họ sẽ chấp hành và nghiên cứu mức giảm đối với từng loại nhóm xe. Ông Lê Ánh Dương, Giám đốc Ban Đầu tư xây dựng thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 cho rằng, nếu như việc giảm phí BOT tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải thì sẽ đẩy cái khó khăn này cho nhà đầu tư BOT. Trong đó, khâu khó nhất là đàm phán phương án tài chính với các ngân hàng thương mại đã cho nhà đầu tư vay vốn thực hiện dự án BOT. Việc giảm phí sẽ dẫn đến việc phải giãn nợ cho dự án BOT, theo đó nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên. Ông Dương cũng cho biết, 2 trạm thu phí cầu Bến Thủy Quốc lộ 1, tỉnh Nghệ An (nằm trong 5 trạm có mức thu phí cao nhất theo thống kê của Bộ Tài chính) đang thu phí hoàn vốn cho 2 dự án BOT chứ không phải 1 dự án BOT như bình thường (Tuyến tránh TP. Vinh và Tuyến đường phía Nam tỉnh Hà Tĩnh) nên dự kiến sẽ chỉ giảm mức thu đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt từ 45.000 đồng xuống còn 40.000 đồng; còn các loại xe khác giữ nguyên. 

Còn ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban Quản lý khai thác Quốc lộ 5 cho biết, 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5 là Nhà nước cho phép nhà đầu tư Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam thu phí để bù đắp chi phí đầu tư khổng lồ vào tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Khi Nhà nước yêu cầu giảm mức thu phí trên 2 trạm này thì nhà đầu tư cũng mong muốn Nhà nước có phương án hỗ trợ cho nhà đầu tư. Và hiện tại, nhà đầu tư cũng chưa đánh giá hết được những khó khăn nếu phương án giảm phí BOT được áp dụng đối với 2 trạm này.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, một số nhà đầu tư cũng bày tỏ quan ngại, phương án giảm phí BOT cũng phần nào thể hiện sự không nhất quán, không bền vững trong chính sách đầu tư và thu hút đầu tư của Nhà nước về BOT, bởi vì phương án tài chính của dự án BOT được thiết lập từ đầu, từ đó mới có phương án hoàn vốn cho dự án và nó còn liên quan chặt chẽ với phương án tài chính đối với ngân hàng thương mại cho dự án BOT vay vốn. Trong hợp đồng BOT, nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền là ngang nhau, nếu muốn thay đổi thì phải có sự đàm phán chứ không phải là sự áp đặt. Vì thế, có ý kiến cho rằng, điều này thể hiện rủi ro về mặt tài chính của nhà đầu tư và đây cũng là một lý do giải thích vì sao nhà đầu tư nước ngoài không “mặn mà” với các dự án BOT tại Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục