Thủ tướng Chính phủ vừa giao dự toán chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2020 hơn 103 nghìn tỷ đồng |
Giao chỉ tiêu cụ thể đến từng đơn vị
Về chỉ tiêu, Thủ tướng giao BHXH TP.HCM và BHXH TP. Hà Nội phải đạt lần lượt 19.004 tỷ đồng và 17.717 tỷ đồng.
5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chỉ tiêu được giao trên 2.000 tỷ đồng, gồm: Nghệ An (3.309 tỷ đồng), Thanh Hóa (3.275 tỷ đồng), Đồng Nai (2.463 tỷ đồng), Đà Nẵng (2.379 tỷ đồng), Thừa Thiên Huế (2.078 tỷ đồng).
20 địa phương có chỉ tiêu được giao trên 1.000 tỷ đồng, như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Bình Định, Cần Thơ, Đắk Lắk...
Đối với các đơn vị khác, BHXH Bộ Quốc phòng được giao chỉ tiêu trong năm 2020 là hơn 1.205 tỷ đồng; BHXH Bộ Công an là 160,3 tỷ đồng; BHXH Việt Nam là 553,237 tỷ đồng (bao gồm kinh phí mua thuốc HIV).
Dự toán chi KCB BHYT bao gồm số chi KCB cho bệnh nhân có thẻ BHYT của tỉnh phát hành đi KCB tại địa phương và bệnh nhân có thẻ BHYT của tỉnh khác phát hành đến KCB tại địa phương.
Nêu rõ trách nhiệm của các bên để hoàn thành chỉ tiêu được giao
Để đạt được các chỉ tiêu được giao nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo BHXH cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và cơ quan có liên quan thực hiện quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT và dự toán chi phí KCB BHYT được giao; thực hiện nghiêm quy định về tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT theo quy định.
Đồng thời, Lãnh đạo UBND các địa phương có trách nhiệm chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH cấp tỉnh và cơ quan có liên quan tăng cường công tác tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về BHYT thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Đối với Sở Tài chính, Lãnh đạo UBND các địa phương phải chỉ đạo cơ quan này chuyển đủ và kịp thời kinh phí ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo; tham gia quản lý quỹ BHYT theo quy định.
Đối với các cơ sở KCB, lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố đề nghị các đơn vị thực hiện cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về KCB BHYT và chuyển dữ liệu cho cơ quan BHXH theo quy định về việc giám định, thanh toán được chính xác, kịp thời.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác truyền thông về BHYT, có giải pháp vận động người dân tham gia BHYT phù hợp với từng nhóm đối tượng để đạt chỉ tiêu phát triển BHYT của địa phương được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020.
Về phía cơ quan chức năng, Thủ tướng yêu cầu Tổng giám đốc BHXH Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tổ chức thực hiện chế độ BHYT đảm bảo nhanh chóng, đơn giản và thuận tiện cho người tham gia BHYT. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số chi KCB BHYT lớn hơn, hoặc nhỏ hơn dự toán chi KCB BHYT được giao tại Quyết định này, BHXH cấp tỉnh thuyết minh cụ thể số liệu và nguyên nhân gửi BHXH Việt Nam tổng hợp và nêu rõ nguyên nhân, báo cáo Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính sớm rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ KCB làm cơ sở tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ KCB phù hợp với chất lượng dịch vụ, khả năng cung ứng của các cơ cơ sở KCB và khả năng cân đối quỹ BHYT. Ban hành hướng dẫn thanh toán chi phí KCB gắn với chất lượng dịch vụ y tế và chế tài xử lý với các trường hợp không đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam và các cơ quan có liên quan đề xuất chỉ tiêu phát triển đối tượng BHYT giai đoạn 2021-2025 nhằm đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở KCB cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT; nâng cao tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chỉ định xét nghiệm, điều trị nội trú và sử dụng dịch vụ, nhất là các dịch vụ kỹ thuật và thuốc bệnh đắt tiền; phối hợp với cơ quan BHXH và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện và xử lý kịp thời các vi phạm.
Bộ Y tế còn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với BHXH Việt Nam tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động KCB và thanh toán chi phí KCB BHYT để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT và dự toán chi KCB BHYT trong các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối, bố trí nguồn ngân sách nhà nước thực hiện chế độ, chính sách BHYT đối với các đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo; phối hợp với Bộ Y tế rà soát định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ KCB làm cơ sở tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ KCB.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo.