Giao thông đường thủy: Khát vốn đầu tư ngoài ngân sách

(BĐT) - Đã gần một năm qua, 45 dự án giao thông đường thủy được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt và kêu gọi vốn đầu tư. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên cho đến nay rất ít dự án được triển khai.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Những dự án nghìn tỷ

Dự án Nâng cao an toàn bến khách ngang sông có tổng mức đầu tư dự kiến 1.023 tỷ đồng. Theo đó, sẽ xây dựng công trình bến mái nghiêng, nhà chờ khách và đầu tư phương tiện chở khách cho 170 bến khách ngang sông trên toàn quốc, mỗi bến khách ngang sông là một tiểu dự án. Nói về sự cần thiết của dự án này, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) cho biết, hoạt động của các bến khách ngang sông là yếu tố không thể thiếu trong đời sống xã hội và là một trong các mắt xích của hệ thống GTVT nói chung mà trước hết là hệ thống GTVT nông thôn nói riêng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan quản lý chuyên ngành đường thuỷ nội địa và các địa phương, trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố hiện có 3.739 bến khách ngang sông với 6.408 phương tiện. Trong đó, những bến khách có học sinh đi học tập trung chủ yếu ở các địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng bằng sông Hồng, một số địa phương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên và vùng núi không có điều kiện thuận lợi về giao thông đường bộ.

Một dự án có tổng dự toán lên đến xấp xỉ 1.000 tỷ đồng là Dự án Đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Hàm Luông đoạn từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông, Bến Tre. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020 đầu tư khoảng 794,2 tỷ đồng và giai đoạn 2020 - 2030 khoảng 130,4 tỷ đồng. Theo đánh giá của Cục ĐTNĐ, việc đầu tư nâng cấp luồng Hàm Luông sẽ góp phần quan trọng trong việc tận dụng được tiềm năng của hệ thống vận tải thủy khu vực phía Nam, đồng thời giúp giảm áp lực cho vận tải đường bộ của Bến Tre và các vùng lân cận vốn đang trong tình trạng quá tải.

Tại phía Bắc, Dự án Đầu tư xây dựng cảng Phù Đổng (Hà Nội) cũng đang nằm trong danh mục gọi vốn, tổng mức đầu tư dự kiến là 886,5 tỷ đồng. Dự án nhắm đến mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống bến, khu nước, bãi, nhà kho để đến năm 2020 có thể tiếp nhận đội tàu đến 800 tấn ra vào cảng làm hàng, công suất của cảng đạt 2,54 triệu tấn/năm. Định hướng đến năm 2030 sẽ mở rộng quy mô bến, kho bãi, nâng cấp thiết bị làm hàng để công suất có thể đạt 3,0 triệu tấn/năm,  phục vụ cho các hoạt động kinh tế của Hà Nội và các khu vực lân cận. Tổng diện tích xây dựng ước tính khoảng 24,2ha. 

Cần trên 12.600 tỷ đồng ngoài ngân sách

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Cục ĐTNĐ cho biết, đến thời điểm này đã có hai dự án triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đó là Dự án Nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II, có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng và Dự án Tuyến vận tải trên sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cầu Bến Súc.

Một dự án nhiều khả năng sẽ triển khai trong thời gian tới là xây dựng cầu Đuống để giải quyết tình trạng tàu thuyền bị cản trở lưu thông do tĩnh không cầu Đuống quá thấp như hiện nay. Chưa chính thức công bố chủ đầu tư của dự án này nhưng cái tên được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là Tổng công ty Vận tải thủy.

Theo kế hoạch của Bộ GTVT, giai đoạn 2015 - 2020, Bộ sẽ huy động 12.663 tỷ đồng từ nguồn vốn ngoài ngân sách cho 45 dự án hạ tầng đường thủy có tổng mức đầu tư khoảng 15.790 tỷ đồng. Thực tiễn diễn ra thời gian qua cho thấy, xã hội hóa đầu tư hạ tầng đường thủy là thách thức không nhỏ do phải cạnh tranh với các dự án đường bộ. Lượng phương tiện lưu thông lớn khiến các dự án đường bộ hấp dẫn, dễ thu hút dòng tiền ngoài ngân sách hơn dự án giao thông đường thủy. 

Để có thể thu hút nhà đầu tư triển khai dự án có hiệu quả, cơ quan quản lý kiến nghị Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ hoặc ưu đãi về tài chính, nguồn vốn cho nhà đầu tư dự án. Cơ chế chính sách, hỗ trợ vay ưu đãi về tài chính và các cơ chế khuyến khích cho nhà đầu tư dự án theo quy định hiện hành, cơ chế đặc thù đề xuất áp dụng riêng cho từng dự án.

Tin cùng chuyên mục