Giữ vững thành tựu và duy trì động lực tăng trưởng kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng 2,62% trong quý III. Thành tựu này đạt được do sự nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công là một trong những động lực quan trọng bù đắp cho tăng trưởng trong bối cảnh các động lực khác sụt giảm. Ảnh: Lê Tiên
Nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công là một trong những động lực quan trọng bù đắp cho tăng trưởng trong bối cảnh các động lực khác sụt giảm. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, trong quý còn lại của năm nay và năm 2021, các động lực của kinh tế Việt Nam sẽ gặp một số thách thức đáng kể và đòi hỏi sự cân đối cần thiết về liều lượng giữa các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ.

Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 9 tháng năm 2020 tăng 2,12%, là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là một thành tựu lớn của Việt Nam. Kết quả này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội”. Về tăng trưởng kinh tế của cả năm nay, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều kiện cho phép có thể phấn đấu đạt khoảng 3%.

Đánh giá tích cực về sức tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, giữa tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng 1,8% trong năm 2020 giữa bối cảnh đại dịch Ccovid-19 và đạt mức 6,3% trong năm 2021. Theo tổ chức này, tăng trưởng kinh tế vẫn vững vàng trong năm 2020 phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát dịch Covid-19. Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, nếu quý IV năm nay tiếp tục giữ đà tăng trưởng như từ đầu năm đến nay thì mức tăng cả năm có thể đạt khoảng 2,5% chứ không chỉ ở mức 1,8% như dự báo trước đó của ADB.

Đáng chú ý, theo ông Cường, ADB và các tổ chức quốc tế đều khá nhất quán cho rằng, động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều dù tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Các động lực này vẫn ở chế độ “lò xo nén”, tức là khi gặp điều kiện tốt sẽ bật tăng mạnh mẽ.

Riêng trong năm 2020, bên cạnh các động lực kinh tế vốn có là nguồn cung nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ tốt, sức cầu trong nước dồi dào, nỗ lực thúc đẩy giải ngân đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng giúp bù đắp phần sụt giảm của đầu tư tư nhân.

“Với tất cả các yếu tố đó, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020 khá tích cực trong so sánh với nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất của Việt Nam trong năm nay là không để dịch tái phát, tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng bị tổn thương”, ông Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, tổ chức S&P Global Ratings dự báo Việt Nam đứng thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tốc độ phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng do tác động của Covid-19, dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 sẽ đạt 1,9% và 11,2% vào năm 2021.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo TS. Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam nằm trong nhóm các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương với khu vực phi chính thức lớn, chiếm khoảng 25 - 30% GDP, khu vực này gần như ngưng trệ hoàn toàn khi thực hiện giãn cách xã hội. Tuy nhiên, lợi thế của Việt Nam là tránh được giãn cách kéo dài nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước.

Một điểm đáng lưu ý khác, theo ông Thế Anh là Việt Nam đang có rủi ro về việc thâm hụt tài khóa và nợ công ở mức cao. Tỷ lệ nợ công/GDP là 56,1% vào cuối năm 2019 và giảm dần nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp so với thu ngân sách nhà nước là 20% và tăng dần trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách nhà nước cao, dai dẳng ở mức 3 - 4% GDP trong những năm gần đây. “Ngoại trừ nguồn vốn đầu tư công tồn đọng từ các năm trước, dư địa tài khóa của Việt Nam là rất hạn hẹp nếu đại dịch kéo dài”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể bật mạnh trở lại, song thách thức cũng không nhỏ từ thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công và rủi ro của hệ thống ngân hàng do nợ xấu có thể tăng cao.

“Để hạn chế những tác động bất lợi với kinh tế vĩ mô từ các chính sách hỗ trợ kinh tế, Chính phủ cần cân nhắc mức độ thực hiện các gói tài khóa và tiền tệ. Có thể tin tưởng là các cân đối vĩ mô của Việt Nam sẽ được giữ ổn định trong năm sau, và kinh tế Việt Nam có thể hồi phục hình chữ V với mức tăng trưởng 6,5 - 7% trong năm 2021”, ông Cường nói.