Gỡ ách tắc tín dụng bằng khơi thông sức cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc tiếp tục kéo giảm lãi suất, cần đẩy mạnh các giải pháp tăng sức cầu tín dụng của nền kinh tế như quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường.
Đến ngày 31/10/2023, tín dụng cho vay đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, thấp hơn mức tăng 11,5% của cùng kỳ năm trước. Ảnh: Huyền Trang
Đến ngày 31/10/2023, tín dụng cho vay đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, thấp hơn mức tăng 11,5% của cùng kỳ năm trước. Ảnh: Huyền Trang

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa gửi công điện đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023. Tại công điện này, Thủ tướng yêu cầu, NHNN rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 hiệu quả, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, NHNN kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành tăng trưởng tín dụng và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 1/12/2023.

Số liệu từ NHNN cho biết, đến ngày 31/10/2023, tín dụng cho vay đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, thấp hơn mức tăng 11,5% của cùng kỳ năm trước. Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn.

NHNN cho biết, để tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Tuy nhiên, do cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh, tiêu dùng giảm, nên mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ, nên không có nhu cầu vay vốn. Phần lớn doanh nghiệp khác rất cần vốn, nhưng không đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhóm bất động sản…

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, hiện nhiều doanh nghiệp thấy rõ sức cầu tiêu dùng yếu nên chưa muốn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính phủ, NHNN đã ban hành và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ tiếp cận tín dụng, nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thị trường bất động sản ảm đạm và nợ xấu lĩnh vực này cao, việc đẩy vốn tín dụng ra nền kinh tế gặp khó ở sức cầu vốn yếu.

Lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã giảm về mức thấp, song cả ngân hàng và người đi vay đều có sự dè dặt nhất định. Tăng trưởng tín dụng sẽ phục hồi tích cực nếu doanh nghiệp có đơn hàng nhiều hơn, nhu cầu mua bất động sản của người dân tăng khi giá bán về mức hấp dẫn.

Cùng quan điểm, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, việc giảm lãi suất là thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và cũng là biện pháp để kích thích cầu tín dụng. Tuy nhiên, giảm lãi suất chỉ là một yếu tố để mở cánh cửa tín dụng, trong khi đó, lực đẩy quan trọng không kém là nâng cao năng lực hấp thụ vốn, năng lực sử dụng vốn hiệu quả của doanh nghiệp và người dân.

Đối với lĩnh vực bất động sản, theo ông Long, những giải pháp cấp bách để tạo khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp bất động sản lúc này vẫn là kích cầu tiêu dùng. Theo đó, các doanh nghiệp cần có chính sách kích cầu thị trường như hạ giá bán, tăng mức chiết khấu đối với phương thức thanh toán nhanh, kéo giãn kỳ hạn thanh toán, miễn phí quản lý sau khi bàn giao nhà; hỗ trợ các thủ tục pháp lý đối với khách hàng...

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, chính quyền địa phương cần chủ động giải quyết theo thẩm quyền và phối hợp với các bộ, ngành, “xắn tay’ giải quyết hàng nghìn dự án đang phải dừng lại do vướng mắc về quy định pháp lý.

Chính phủ nên thiết lập cổng thông tin tổng thể về quy hoạch, xây dựng và giao dịch bất động sản nhằm cung cấp đầy đủ thông tin về các dự án đang triển khai và đang xin phép đầu tư tại từng địa phương trên cả nước để nhà đầu tư có được thông tin toàn cảnh về thị trường, chủ động điều tiết hoạt động đầu tư, hoặc phân kỳ triển khai xây dựng dự án cho phù hợp với nhu cầu thực tế.

Tin cùng chuyên mục