Gỡ điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công tại Hưng Yên

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc họp đầu năm 2023, ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu tới hết 30/6/2023, giải ngân vốn đầu tư công của Tỉnh phải đạt 40% trở lên. Tuy nhiên, kết quả giải ngân nửa đầu năm chỉ đạt 32% kế hoạch. Để đạt mục tiêu trong năm giải ngân ít nhất 95% kế hoạch, Hưng Yên cần nhiều giải pháp quyết liệt trong việc tháo gỡ vướng mắc về mặt bằng, thủ tục hành chính.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận Hưng Yên vướng mắc thủ tục đầu tư dẫn đến chậm giải ngân vốn. Ảnh: Lê Tiên
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận Hưng Yên vướng mắc thủ tục đầu tư dẫn đến chậm giải ngân vốn. Ảnh: Lê Tiên

Năm 2023, tỉnh Hưng Yên được Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công là 12.006 tỷ đồng, gấp đôi con số 6.000 tỷ đồng năm 2021 và gấp 1,3 lần con số gần 9.000 tỷ đồng năm 2022.

Tính đến ngày 30/6/2023, tỉnh Hưng Yên giải ngân được hơn 3.800 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 32% kế hoạch Thủ tướng giao (cao hơn mức trung bình 28% của cả nước), đạt 37% kế hoạch vốn đã phân bổ cho các dự án. Riêng vốn ngân sách tỉnh quản lý là 7.347 tỷ đồng, đến ngày 30/6/2023 đã thanh toán qua Kho bạc Nhà nước 2.089 tỷ đồng, đạt 28%.

Chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công của Tỉnh tập trung chủ yếu trong tháng 6/2023 khi có sự tăng tốc so với 5 tháng trước đó. Tại huyện Khoái Châu, tỷ lệ giải ngân của địa phương này đạt 51% kế hoạch năm 2023 (tương ứng gần 240 tỷ đồng). Khoái Châu đạt được con số này nhờ kết quả giải ngân tốt ở một số dự án.

Điển hình là Dự án Cải tạo, nâng cấp Đường huyện 57, huyện Khoái Châu hiện đã giải ngân tới 99% kế hoạch vốn năm 2023; Dự án đường giao thông liên xã Phú Cường - Hùng Cường đã giải ngân được 100% kế hoạch vốn năm 2023 và đang phấn đấu vượt tiến độ theo hợp đồng; Dự án Nâng cấp, mở rộng tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên kéo dài có số vốn kế hoạch năm 2023 là 700 tỷ đồng, tuy mới thanh toán qua Kho bạc Nhà nước hơn 200 tỷ đồng nhưng thực tế khối lượng đã nghiệm thu đạt gần 50%. Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án công trình giao thông - xây dựng tỉnh Hưng Yên cho biết, Dự án đã được nghiệm thu khối lượng 330 tỷ đồng cho các nhà thầu.

Bên cạnh một số điểm sáng thì vẫn còn nhiều tồn tại trong bức tranh giải ngân vốn đầu tư công tại Hưng Yên. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng và giá cả nguyên vật liệu tăng cao, nguồn cung khan hiếm. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan xuất phát từ sự vào cuộc thiếu tích cực của một số địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tại Kỳ họp giữa năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên khóa XVIII nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra đầu tháng 7/2023, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Văn Diễn cho biết, giá nguyên vật liệu đang ở mức cao, nhất là mặt hàng xăng, dầu, cát, sỏi. Trong khi đó, nguồn cung cấp còn hạn chế, đặc biệt là cát đen, chi phí vận chuyển tăng cao. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công công trình và giải ngân vốn đầu tư công.

Ông Diễn cho biết thêm, hiện trên địa bàn Tỉnh có 4 mỏ cát san lấp được cấp phép gồm 3 mỏ cát sông đã được quy hoạch, cấp phép khai thác tại xã Hoàng Hanh, Tân Hưng, Quảng Châu (TP. Hưng Yên) với tổng trữ lượng khoảng 1 triệu m3, công suất khai thác 200.000 m3/năm và 1 mỏ cát tại xã Mai Động, huyện Kim Động do Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường khai thác phục vụ thi công giai đoạn II Dự án đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Trong khi đó, nhu cầu san lấp trên địa bàn Tỉnh là hàng chục triệu m3/năm.

Bên cạnh đó, một số dự án đầu tư công lớn có khả năng hấp thụ nhiều vốn nhưng chậm hoàn thành các thủ tục như: thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường… dẫn tới chậm giải ngân vốn. Cụ thể là Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Dự án Xây dựng đường hai bên đoạn Km19+640 (giao Quốc lộ 38B), Dự án Đầu tư xây dựng đường Vân Du - Phù Ủng... Đồng thời, một số dự án gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng do chưa nhận được sự đồng thuận về giá đất bồi thường, tái định cư của người dân.

Theo ông Diễn, thời gian tới, tỉnh Hưng Yên sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án; xử lý nhanh các thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai, xây dựng, quy hoạch; thực hiện phương châm có mặt bằng sạch đến đâu bàn giao ngay cho nhà thầu đến đó để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án. Đồng thời, phân công cụ thể lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện, bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023.