Gỡ từng điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc của từng địa phương, của dự án đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp, tranh thủ phát huy tiềm năng, lợi thế, dư địa của từng địa phương… là cách để giải phóng các nguồn lực hiện hữu cho phục hồi kinh tế ngay trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2022 vùng Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng Sông Hồng. Ảnh: Đức Trung
Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2022 vùng Trung du, miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng Sông Hồng. Ảnh: Đức Trung

Trong nửa đầu tháng 9/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức 4 hội nghị của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên và 3 hội nghị vùng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch đầu tư công năm 2022 với tất cả địa phương trong cả nước. Trong bối cảnh dịch, các cuộc làm việc được tổ chức theo hình thức trực tuyến, tuy nhiên, hiệu quả theo đánh giá của đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội tham dự Hội nghị là rất cao, rất kịp thời với sự tham gia của chủ tịch, phó chủ tịch UBND và đại diện sở, ngành các địa phương trong cả nước.

Nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch

3 Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch đầu tư công năm 2022 được tổ chức trong ngày 14 và 15/9/2021. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc họp với các địa phương về công tác xây dựng kế hoạch trong 5 năm trở lại đây đã được Bộ tổ chức theo vùng, nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch, từng địa phương không cần phải về làm việc với Bộ như trước.

Các địa phương đánh giá đây là cách làm tốt để giảm bớt thời gian đi lại, nghe được nhiều thông tin hơn giữa các địa phương với nhau, cùng nhau nhìn nhận đánh giá các tỉnh trong vùng, các tỉnh có điều kiện tương tự với nhau để xem có những cách làm nào tốt, mô hình nào hay để có thể rút kinh nghiệm, học tập, nhân rộng, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần rút kinh nghiệm để khắc phục. Các địa phương trao đổi trực tiếp với các cơ quan của Bộ KH&ĐT, được các đơn vị chuyên môn của Bộ giải thích, hướng dẫn ngay giúp cho việc tháo gỡ khó khăn nhanh hơn; đồng thời cũng là dịp các địa phương tăng cường công tác phối hợp, tăng cường thông tin và có thể học tập lẫn nhau, chia sẻ với nhau trong quá trình thực hiện nhiêm vụ của mình.

Lãnh đạo các địa phương cũng đánh giá cao sự tham mưu quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Bộ KH&ĐT cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước gắn với mục tiêu chống dịch Covid-19 thời gian qua.

"Năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với các địa phương xây dựng phương án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện, bám sát thực tiễn, tranh thủ nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa phương, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

"Năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025. Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với các địa phương xây dựng phương án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện, bám sát thực tiễn, tranh thủ nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa phương, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Đồng hành tháo gỡ từng vướng mắc

Tại các hội nghị, lãnh đạo Bộ KH&ĐT, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ trả lời ngay trực diện các vướng mắc của địa phương như sửa đổi cơ chế chính sách liên quan đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do Covid-19, giải ngân vốn ODA, giao kế hoạch vốn đầu tư công còn lại, xây dựng kế hoạch đầu tư công 2022, đến những vấn đề cụ thể như cơ chế giá dự án năng lượng mặt trời tại Ninh Thuận, tháo gỡ vướng mắc Dự án Điện khí LNG Bạc Liêu...

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nêu rõ, Bộ KH&ĐT sẽ đồng hành, cùng địa phương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Vấn đề vướng thuộc thẩm quyền của Bộ KH&ĐT, các đơn vị phụ trách của Bộ sẽ giải thích, hướng dẫn, tháo gỡ để làm nhanh và đúng quy định. Những vấn đề liên quan thẩm quyền các bộ, ngành khác hoặc thẩm quyền cấp cao hơn, Bộ KH&ĐT sẽ tổng hợp, lồng ghép vào các báo cáo của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh: Đức Trung

Ảnh: Đức Trung

Hiện Bộ KH&ĐT là cơ quan thường trực của 2 Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ là Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương và Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Hoàng Mạnh Phương - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT) cho biết, qua 4 cuộc làm việc của Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương với 4 địa phương, khoảng một nửa các khó khăn vướng mắc mà địa phương phản ánh là do chưa có cách hiểu thống nhất về quy định của pháp luật. Bộ KH&ĐT dự kiến báo cáo Tổ công tác để có văn bản hướng dẫn chung gửi các bộ, ngành, địa phương, thống nhất trong triển khai.

Trong quá trình rà soát, Bộ KH&ĐT đã có một số kiến nghị gửi Bộ Tư pháp để xây dựng một luật sửa nhiều luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Trong đó với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Bộ đã đề xuất sửa các luật: Đầu tư, Đầu tư công, Doanh nghiệp, PPP,… Với quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, tinh giản quy trình, thủ tục, Bộ đề xuất tiếp tục phân cấp mạnh hơn thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với những dự án nhóm B, C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đối với những dự án hạ tầng, khu công nghiệp, khu chế xuất, dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị với dự án có quy mô dân số tương đương khu đô thị loại 3, bổ sung các tiêu chí về những đối tượng được ưu đãi trong Luật Đầu tư… Bộ Tư pháp đã tổng hợp các nội dung sửa đổi các luật trình Chính phủ, về cơ bản Chính phủ đồng ý thông qua đề xuất này. Dự Luật dự kiến sẽ được báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2.

Thứ trưởng Trần Duy Đông đề nghị các bộ, ngành, địa phương tổng hợp thêm các dự án cụ thể có khó khăn kéo dài, dự án quy mô lớn, dự án trọng điểm, có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội địa phương đang gặp vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ. Đây là những dự án đang triển khai, nếu tháo gỡ được vướng mắc, dự án tiếp tục vận hành, triển khai sẽ giải phóng được nguồn lực lớn đóng góp cho tăng trưởng, phục hồi kinh tế.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn, càng cần sự nỗ lực, trách nhiệm, sự chủ động, quyết liệt của lãnh đạo địa phương, nhất là khi các quy định pháp luật về đầu tư hiện nay đã phân cấp, phân quyền rất mạnh cho địa phương. Bộ KH&ĐT chung tay, tham mưu gỡ vướng, nhưng vai trò của địa phương trong thực hiện là rất quan trọng.

Dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế từng vùng (%)

Vùng kinh tế

Kế hoạch năm 2021

Ước thực hiện cả năm 2021

Dự kiến năm 2022

Vùng miền núi phía Bắc

8

6,5

8

Vùng Đồng bằng sông hồng

8,5-9

7,04

7,91

Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

7

6 – 6,5

7 - 8

Tây Nguyên

7,2

6,13

7,71

Đông Nam Bộ

6,2-6,5

-0,13

5 - 6,5

Đồng Bằng Sông Cửu Long

6 - 7

2,69

7,17

Tỷ lệ giải ngân 8 tháng năm 2021 và nhu cầu kế hoạch đầu tư công năm 2022 từng vùng

Vùng kinh tế

Tỷ lệ giải ngân 8 tháng 2021 (% )

Nhu cầu năm 2022 (đơn vị: tỷ đồng)

Trung du, miền núi phía Bắc

41,96

59.019,833 *

Đồng bằng Sông hồng

52,9

121.686

Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung

48,67

91.641,883

Tây Nguyên

41,9

20.632

Đông Nam Bộ

33,8

96.487,474

Đồng Bằng Sông Cửu Long

34,6

65.713,331

* chưa tính nhu cầu bố trí vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Nguồn tổng hợp của Bộ KH&ĐT từ báo cáo của các địa phương

Tin cùng chuyên mục