Gỡ vướng cho DN Nhật Bản đầu tư vào ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Truyền tải điện và năng lượng tái tạo là lĩnh vực nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, theo nhiều DN Nhật Bản, để có thể đưa dự án, công nghệ mới vào Việt Nam, Chính phủ cần phải có những quyết sách rõ ràng, tháo gỡ khó khăn và vướng mắc cho DN cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy trình thủ tục.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện và năng lượng tái tạo . Ảnh: Nguyễn Thế Anh
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư vào lĩnh vực truyền tải điện và năng lượng tái tạo . Ảnh: Nguyễn Thế Anh

Tại Tọa đàm trực tuyến giữa các bộ, ngành liên quan với các DN Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức, đại diện Công ty CP JERA nhận định, việc nâng cao công suất cung ứng điện tại Việt Nam đang bị chậm trễ. Muốn giải quyết được những thách thức về nguồn cung điện trong ngắn và trung hạn, Việt Nam cần duy trì, cải thiện chất lượng vận hành các nhà máy hiện có, đồng thời ứng dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để thay thế nhiên liệu dầu đốt; ứng dụng nguồn năng lượng mới.

Trong đó, để duy trì, cải thiện chất lượng vận hành các nhà máy hiện có, một số DN Nhật Bản đã đưa ra những khuyến nghị và giải pháp về công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ mới, nền tảng IoT, điện toán đám mây... giúp tối ưu hóa lưới điện để tiết giảm hao tổn điện năng như: mô hình lưới điện thông minh, hệ thống điều khiển tự động (Scada, smart City...), hệ thống dữ liệu truyền tải và phân phối điện thông minh, trạm biến áp ngầm trong thành phố...

Dù rất quan tâm tới lĩnh vực này, nhưng một số DN Nhật Bản đã, đang và dự định đầu tư tại Việt Nam quan ngại về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nghiên cứu, thực hiện dự án. Một trong những vấn đề được nhiều DN Nhật Bản quan tâm là về quy trình thủ tục chuẩn bị đầu tư quá phức tạp, kéo dài.

Theo ông Ohara, Giám đốc Công ty TNHH JFE Engineering Việt Nam, DN mong muốn được cấp giấy phép xử lý chất thải rắn để phát điện ngay, nhưng lại phải đối mặt với rất nhiều trở ngại trong thủ tục xin cấp phép. Quy trình xin bổ sung quy hoạch điện hiện nay rất phức tạp, phải làm việc với rất nhiều cơ quan chức năng khác nhau và thường phải mất khoảng 6 năm để chuẩn bị trước khi vận hành dự án. “Liệu có thể bổ sung quy hoạch điện trước khi tỉnh/thành phố kêu gọi đầu tư hay không?”, ông Ohara đặt vấn đề.

Đại diện Công ty CP JERA cũng phản ánh, việc nhập khẩu thiết bị điện đang gặp nhiều khó khăn. DN Nhật Bản cũng đề xuất loại khỏi giấy phép yêu cầu nhà nhập khẩu LNG phải có cầu cảng hoặc thuê cầu cảng tối thiểu 5 năm... Đặc biệt, tại cuộc tọa đàm, nhiều DN Nhật Bản cũng bày tỏ quan tâm về cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực này.

Phản hồi với các DN Nhật Bản tại buổi tọa đàm, đại diện một số bộ, ngành đã ghi nhận, bày tỏ quan tâm và đề xuất hợp tác cụ thể với các đối tác Nhật Bản về học tập, nghiên cứu cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển những công nghệ mới, dự án tiềm năng.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đang nghiên cứu các giải pháp cung ứng điện cho cả nước như tăng cường nhập khẩu từ các nước láng giềng, thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện khí LNG... Bộ Công Thương cũng đang sửa đổi Luật Điện lực, xây dựng Quy hoạch điện VIII, do đó rất mong nhận được sự hợp tác và chia sẻ ý kiến của DN Nhật Bản.

Về cấp giấy phép dự án xử lý chất thải rắn để phát điện, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Mới đây, có tới 17 nhà đầu tư muốn tham gia dự án xử lý rác thải ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, đây là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên dự án đề xuất phải nằm trong quy hoạch (thường là gần với khu vực bãi rác), đảm bảo môi trường... Thực tế, một số nhà đầu tư Nhật Bản lúng túng để ra quyết định đầu tư vì giá thành đầu tư cao. Do vậy, thay vì giữ nguyên bản mô hình nhà máy, công nghệ như tại Nhật Bản, nhà đầu tư có thể cân nhắc sử dụng công nghệ phù hợp với Việt Nam thì sẽ khả thi hơn. Hiện một số dự án tại các địa phương như Cần Thơ đã bắt đầu phát điện với giá 20 USD/tấn...

Liên quan đến phương thức đầu tư PPP, đại diện Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu về Luật PPP vừa được Quốc hội thông qua, dự kiến trong tháng 8/2020, Bộ KH&ĐT sẽ hoàn chỉnh và công bố bản tiếng Anh.

Tin cùng chuyên mục