Gỡ vướng để thúc đẩy giải ngân vốn vay nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng số vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài giải ngân trong 6 tháng đầu năm ước tính gấp 3,6 lần con số của cùng kỳ năm trước. 
Tính đến tháng 6, lũy kế giải ngân vốn vay nước ngoài của TP.HCM đạt 1.601 tỷ đồng, tương đương 10,31% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên
Tính đến tháng 6, lũy kế giải ngân vốn vay nước ngoài của TP.HCM đạt 1.601 tỷ đồng, tương đương 10,31% kế hoạch. Ảnh: Lê Tiên

Song hoạt động giải ngân các nguồn vốn này vẫn gặp nhiều khó khăn và vướng mắc. Nếu không có giải pháp hiệu quả thì nhiệm vụ giải ngân các nguồn vốn này trong năm nay khó có thể hoàn thành.

Không quyết liệt, khó hoàn thành

Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết ngày 24/6/2020, số tiền giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài (vốn vay nước ngoài) năm 2020 của các bộ, ngành, địa phương là 7.427 tỷ đồng, đạt 13,1% so với dự toán được giao.

Mức giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài 6 tháng đầu năm tăng mạnh so với mức cùng kỳ của năm 2019, tuy nhiên, so với con số 28,2% của giải ngân nguồn vốn đầu tư công trong nước thì tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài vẫn còn thấp.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, nửa đầu năm nay, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, do đó các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Long nhận định, với tốc độ giải ngân như hiện nay và việc nền kinh tế tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, nếu các cấp, các ngành, các địa phương và các chủ dự án không có các giải pháp quyết liệt, khắc phục khó khăn thì sẽ khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được Quốc hội và Chính phủ giao đối với giải ngân nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi của năm 2020 và cả nhiệm kỳ 2016 - 2020.

Tình trạng giải ngân chậm diễn ra rõ nét nhất tại TP.HCM. Tính đến tháng 6, lũy kế giải ngân vốn vay nước ngoài của TP.HCM mới đạt 1.601 tỷ đồng, tương đương 10,31% kế hoạch vốn giao. Bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết, nguyên nhân chính khiến tỷ lệ giải ngân thấp là do Thành phố đang trình Thủ tướng cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, thẩm định điều chỉnh thiết kế cơ sở để làm thủ tục điều chỉnh dự án.

Tại Hà Nội, tiến độ giải ngân vốn vay nước ngoài nhanh hơn TP.HCM. Năm 2020, kế hoạch vốn được giao cho dự án sử dụng vốn vay nước ngoài ở Hà Nội là 6.982 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2020, giá trị thực hiện là 1.553,6 tỷ đồng, đạt 29,7% kế hoạch.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, việc giải ngân vẫn còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, Dự án Tuyến đường sắt đô thị 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và liên quan đến quy hoạch ga ngầm C9 sát hồ Hoàn Kiếm nên không thi công được các gói thầu xây lắp. Dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá còn vướng mắc về giá trị phát sinh hợp đồng tư vấn do phải thực hiện thủ tục đấu thầu lại Gói thầu 3.

Vì vậy, ông Toản kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trong đó có quy định về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu; thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của gói thầu khi cập nhật giá; giúp Hà Nội tháo gỡ vướng mắc với các dự án đang gặp khó khăn... 

Đẩy mạnh phối hợp và quyết tâm thực hiện

Đánh giá chung về nguyên nhân chậm giải ngân vốn vay nước ngoài, ông Trương Hùng Long cho biết, sự lúng túng của các bộ, ngành trong việc thực hiện các cơ chế chính sách mới, chẳng hạn Nghị định số 68/2019/NĐ-CP, là một trong những lý do cần quan tâm. Do đó, các đơn vị cần xúc tiến tập huấn việc thực thi các chính sách mới này.

Bên cạnh đó, vấn đề giải phóng mặt bằng chậm, năng lực hạn chế của các nhà thầu, chậm giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu, quá trình thẩm định của cơ quan cho vay lại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thường bị kéo dài là nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công. “Điều này cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bên mới có thể giải quyết nhanh chóng”, ông Long nói.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh giải ngân vốn vay nước ngoài.

Về phân bổ nguồn vốn, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phân bổ hết vốn, nếu nhận thấy không sử dụng được vốn nước ngoài trong năm 2020, cần tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát hồ sơ, thủ tục liên quan chủ trương đầu tư và hiệp định vay, bao gồm cả đề xuất về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư, cơ cấu đầu tư và thời gian thực hiện dự án. Trên cơ sở đó, có thể đàm phán với nhà tài trợ về việc điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung về cơ cấu vốn, thời gian giải ngân.

“Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và các nhà tài trợ để báo cáo với các cấp có thẩm quyền về tất cả những vướng mắc hiện nay nhằm quyết tâm thúc đẩy giải ngân đạt được hiệu quả”, ông Hà nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục