Gỡ vướng pháp lý trong mua sắm, đấu thầu lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các quy định không phù hợp, cũng như phối hợp với các bộ ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu. Đây là một trong những nỗ lực của cơ quan này nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư hóa chất (VTHC), trang thiết bị y tế (TTBYT) xảy ra trong thời gian qua.
Để bảo đảm tính pháp lý và đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ đấu thầu cho các CSYT, Bộ Y tế cũng đang triển khai xây dựng quy định về website liên quan đến TTBYT, VTHC. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Để bảo đảm tính pháp lý và đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ đấu thầu cho các CSYT, Bộ Y tế cũng đang triển khai xây dựng quy định về website liên quan đến TTBYT, VTHC. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đối với hoạt động mua sắm TTBYT, cuối tháng 11/2022, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành, cơ sở y tế (CSYT) và hiệp hội doanh nghiệp có liên quan để lấy ý kiến thẩm định về Dự thảo Thông tư (TT) bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, thông tư liên tịch, trong đó có đề xuất bãi bỏ Khoản 3 Điều 8 TT số 14/2020/TT-BYT quy định một số nội dung trong đấu thầu TTBYT tại các CSYT công lập (hướng dẫn về cách thức lập dự toán giá gói thầu). Thay vào đó, giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu (LCNT) được xác định theo hướng dẫn của Luật Đấu thầu, Nghị định (NĐ) số 63/2014/NĐ-CP cùng các văn bản hướng dẫn đấu thầu có liên quan về xây dựng giá gói thầu và các hướng dẫn của Bộ Tài chính về mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước theo quy định mua sắm hàng hóa thông thường (TT số 58/2016/TT-BTC).

Theo lý giải của Bộ Y tế, quy định việc lập giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong 12 tháng và không được cao hơn giá trúng thầu của TTBYT đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố tại TT 14 là không phù hợp với quy luật thị trường. Mặt khác, có những TTBYT chưa có giá trúng thầu được đăng tải, hoặc đăng tải thiếu thông tin về thông số, mô tả kỹ thuật, hay không có hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp có giá biến động tăng hơn nhiều so với thời điểm lập kế hoạch…, gây khó khăn cho công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán, kế hoạch LCNT. Nhà thầu chào giá cao hơn giá kế hoạch nhưng đơn vị mua sắm không đủ căn cứ để điều chỉnh giá kế hoạch. Nếu giá gói thầu thấp hơn hoặc bằng giá trúng thầu năm trước thì không có nhà cung cấp dự thầu.

Bà Trần Ngọc Ánh, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) phân tích: “Giá cả phụ thuộc vào biến động của thị trường, lên xuống tùy từng thời điểm. Những loại TTBYT có các dòng sản phẩm mới cập nhật, giá của các model mới không thể so sánh với giá của những model trước đó”.

Vẫn theo bà Ánh, chỉ sửa đổi TT 14 là không đủ, mà cần sửa đổi cả TT 58. Ví dụ như trường hợp TTBYT chỉ có 1 nhà phân phối được ủy quyền chính thức tại Việt Nam (theo NĐ số 98/2020/NĐ-CP, đối với TTBYT tham dự thầu, tối đa là được 2 lần ủy quyền), doanh nghiệp chỉ có 1 báo giá mà bắt buộc phải có đủ 3 báo giá (theo TT 58) là rất khó. Trong trường hợp không có đủ 3 báo giá khi lập kế hoạch, theo đại diện USABC, nên cho phép thủ trưởng đơn vị y tế được quyết định mức giá.

Đối với hoạt động mua sắm thuốc, thời gian qua, Bộ Y tế cũng tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung TT số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các CSYT công lập. Theo kế hoạch, Bộ Y tế đặt mục tiêu phấn đấu ban hành Thông tư thay thế TT số 15/2019/TT-BYT trong tháng 12/2022.

Theo đó, nhiều ý kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của TT 15 như: bổ sung hình thức LCNT trong trường hợp thiếu thuốc do chưa có kết quả đấu thầu tập trung; bổ sung thông tin giá thuốc từ cơ quan bảo hiểm xã hội là nguồn tham khảo để làm cơ sở xây dựng đơn giá; bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với thuốc phóng xạ và chất đánh dấu, dược liệu và vị thuốc cổ truyền… Một số ý kiến đề xuất bãi bỏ quy định thuốc phải có 3 số đăng ký lưu hành tại TT 15, vì thực tế có rất nhiều mặt hàng không đủ 3 số đăng ký như thuốc kiểm soát đặc biệt... khiến nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ để tham dự thầu.

Để bảo đảm tính pháp lý và đầy đủ thông tin cần thiết phục vụ đấu thầu cho các CSYT, Bộ Y tế cũng đang triển khai xây dựng quy định về website liên quan đến TTBYT, VTHC (kê khai giá, giá trúng thầu); thống nhất, đồng bộ hóa danh mục mã/tên thuốc, VTHC, TTBYT; danh mục thuốc cùng hoạt chất, tác dụng, nhóm dược lý có thể thay thế khi một số thuốc bị thiếu…

Tin cùng chuyên mục