Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tích cực huy động nguồn vốn ODA để làm phần đối ứng của Nhà nước cho các dự án PPP. Ảnh: Gia Khoa |
Về cách tiếp cận dự án PPP theo đầu tư công, một số ý kiến của nhà đầu tư tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2017 tổ chức mới đây cho rằng, việc quản lý đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước đối với dự án PPP chịu sự điều chỉnh của Luật Đầu tư công và dự án PPP được nhìn nhận dưới góc độ dự án đầu tư công. Điều này sẽ dẫn tới các thủ tục rườm rà và cơ quan nhà nước có thẩm quyền e ngại trong việc thực hiện các giải pháp chưa có tiền lệ đối với hình thức PPP.
Ghi nhận phản ánh, trong phản hồi của mình, Bộ KH&ĐT đồng tình, đúng như kiến nghị của Nhóm cơ sở hạ tầng, do PPP là hình thức đầu tư còn tương đối mới mẻ nên còn nhiều ý kiến trái chiều về việc nhìn nhận dự án PPP là dự án đầu tư công hay dự án tư nhân. Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, do dự án PPP chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công nên quá trình triển khai còn gặp nhiều vướng mắc. Để giải quyết vướng mắc này, trong ngắn hạn, Bộ dự kiến sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa quy định về trình tự, thủ tục đầu tư. Song, để giải quyết triệt để các vướng mắc, nhất là về thủ tục đầu tư, theo Bộ KH&ĐT hiện Chính phủ đã giao Bộ nghiên cứu, xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP.
Về nguồn lực chuẩn bị và thực hiện dự án PPP, Nhóm cơ sở hạ tầng của VBF cho rằng, hiện các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có đủ nguồn lực cần thiết để thực hiện chuẩn bị dự án, đặc biệt là báo cáo nghiên cứu khả thi phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, hiện nay còn tồn tại các hạn chế về bảo lãnh nhà nước và nguyên tắc bù đắp thiếu hụt tài chính cho dự án PPP. Theo đó, Chính phủ cần ban hành hướng dẫn về hỗ trợ của Chính phủ và cơ chế bù đắp thiếu hụt tài chính trong từng lĩnh vực.
Bộ KH&ĐT đã nhận thức rõ vấn đề này, theo đó, đã đàm phán với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) để hình thành nguồn vốn chuẩn bị dự án PPP. Dù vậy, theo Bộ KH&ĐT, trong quá trình triển khai vẫn gặp nhiều vướng mắc nên chưa kịp thời hỗ trợ được các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, nguồn vốn này mới bắt đầu được triển khai hỗ trợ vốn cho 5 dự án PPP thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Về nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án, trong bối cảnh ngân sách nhà nước ngày càng hạn hẹp, Bộ KH&ĐT cũng đang tích cực huy động nguồn vốn ODA để làm phần đối ứng của Nhà nước cho các dự án PPP. Đến nay, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nghiên cứu, xây dựng khung chính sách và cơ chế tài chính cho mô hình nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP huy động từ nguồn ODA của JICA. Bên cạnh đó, trong quá trình sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP, sẽ nghiên cứu việc mở rộng, bổ sung nguồn vốn như: nguồn chi thường xuyên, nguồn vốn tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập… để làm phần tham gia của Nhà nước trong dự án này.