Gói hỗ trợ doanh nghiệp cần nhất là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hơn 2 năm ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đến nay cho thấy, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cũng như chuyển dịch phương thức quản lý phù hợp, giúp doanh nghiệp (DN) "hồi sinh". Ghi nhận những bước tiến đáng kể này, song nhiều hiệp hội và DN tại Hội thảo công bố Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021 cho rằng, trong thời gian tới, gói hỗ trợ mà DN cần nhất là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh, Chính phủ đã giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025 là cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/5/2020. Cuối năm 2020 và trong năm 2021, các bộ đã lập phương án cắt giảm các chi phí tuân thủ của DN. Tuy nhiên, qua kết quả khảo sát của Nhóm nghiên cứu Báo cáo cho thấy, kết quả thực hiện chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa thực chất, đa số còn mang tính hình thức.

Cụ thể, các đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa chủ yếu là bỏ yêu cầu phải cung cấp một số tài liệu hoặc lược bỏ một số nội dung mang tính chất thông tin chung trong mẫu tờ khai; hay không phải cung cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành về khóa bồi dưỡng trình độ chuyên môn trong hồ sơ cấp chứng chỉ; hay chuyển phương thức thực hiện từ trực tiếp lên trực tuyến trên cổng dịch vụ công…

Một số bộ đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn áp dụng trên thực tế (điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô trong Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng thực tế đã không còn áp dụng từ năm 2020…).

Mặt khác, cách tính chi phí tuân thủ của các bộ cũng không chính xác. Bộ Công Thương đề xuất điều chỉnh điều kiện đối với thương nhân xuất, nhập khẩu khí là phải có chai LPG đáp ứng điều kiện lưu thông trên thị trường. Thay vì thuê chai LPG như hiện nay, thương nhân phải sở hữu chai LPG như phương án đề xuất của Bộ Công Thương, dẫn tới chi phí đắt đỏ hơn, nhưng phương án đề xuất lại tính toán chi phí tiết kiệm được là 15 triệu đồng…

Trong khi đó, các phương án hầu như lại thiếu vắng đề xuất sửa đổi, bãi bỏ ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư 2020. Trên thực tế, thời gian qua, DN và hiệp hội đã đưa ra nhiều kiến nghị về phạm vi các ngành nghề (thu hẹp phạm vi của ngành nghề kinh doanh vàng, bãi bỏ một số ngành nghề dịch vụ như phát hành - phổ biến phim, biểu diễn nghệ thuật…).

VCCI ước tính, nếu trên cả nước có 200 nghìn xe khách trên 9 chỗ, xe container, xe đầu kéo thì chi phí tuân thủ yêu cầu lắp đặt camera lên tới 1.160 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Internet

VCCI ước tính, nếu trên cả nước có 200 nghìn xe khách trên 9 chỗ, xe container, xe đầu kéo thì chi phí tuân thủ yêu cầu lắp đặt camera lên tới 1.160 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Internet

Không những vậy, thực tế còn có những quy định chính sách đang soạn thảo, dự kiến hoặc đã ban hành làm gia tăng thêm chi phí tuân thủ, gây thêm khó khăn cho DN. Đây là điều đáng lo nhất đối với cộng đồng DN.

Đơn cử, DN kinh doanh dịch vụ vận tải vừa trải qua “cơn bạo bệnh”, phải bán bớt lượng xe để cắt lỗ, gắng gượng sống sót, thì nay lại phải gánh thêm khoản chi phí khoảng 17 triệu đồng để tuân thủ quy định yêu cầu lắp camera trên xe ô tô vận tải hành khách từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ước tính, nếu trên cả nước có 200 nghìn xe thì chi phí tuân thủ yêu cầu lắp đặt camera lên tới 1.160 tỷ đồng, chi phí truyền dẫn dữ liệu là 240 tỷ đồng… Con số này vượt xa so với dự liệu của cơ quan soạn thảo.

Không chỉ gia tăng chi phí, mà tư duy quản lý nhà nước sai lệch cũng gây ra nhiều thiệt hại cho DN. Nếu không thay đổi, Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty TNHH Luật Anvi cảnh báo, ngành sắn đang có nguy cơ phá sản vì những vụ việc tương tự có thể xảy ra mới đây khi cơ quan thuế dừng hoàn thuế VAT cho DN trong nước vì nghi ngờ dấu hiệu gian lận của đối tác nước ngoài.

“Nếu quản lý nhà nước dựa trên sự nghi ngờ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho ngành sắn nói riêng và các ngành nông sản khác nói chung”, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế của VCCI lo ngại.

Mặc dù có những mục tiêu quản lý nhà nước là tốt, nhưng bà Trần Hoàng Yến - Phó trưởng Văn phòng đại diện VASEP tại Hà Nội cho rằng, cơ quan nhà nước cần quy định lộ trình áp dụng, hay cho phép thử nghiệm để tổng kết, đánh giá trước khi áp dụng trên phạm vi rộng. Điều này là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang dốc sức hỗ trợ chi phí để giúp DN vượt qua khó khăn vì Covid-19, vừa phục hồi sau khi tăng trưởng âm trong quý III/2021. Theo xu hướng chung đó, TP.HCM nên lùi việc triển khai tăng cước phí hạ tầng cảng biển đến hết năm 2022, thay vì ngày 1/4/2022 như dự kiến.

Trong thời gian tới, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần phát huy vai trò của pháp luật cạnh tranh hơn nữa. Hiện nay, thay vì áp dụng pháp luật cạnh tranh để quản lý trình trạng phá giá của các DN thẩm định giá, cơ quan quản lý nhà nước lại chọn cách đưa ra các điều kiện để loại bỏ bớt DN ra khỏi “cuộc chơi”. Trong 2 năm qua, nhiều DN xuất, nhập khẩu điêu đứng vì giá cước vận tải biển tăng cao, trong khi các hãng tàu, đại lý logistics lại ăn nên làm ra. “Vậy, liệu ở đây có tình trạng làm giá, vi phạm pháp luật cạnh tranh hay không?”, ông Tuấn đặt vấn đề.

Tin cùng chuyên mục