Ảnh Internet |
Như vậy, sau 3 lần đấu thầu rộng rãi kể từ tháng 2/2017 đến nay, PVC vẫn không thể chọn được nhà thầu cho gói thầu “lận đận” này.
Hủy thầu sau 3 lần đấu thầu
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Gói thầu Cung cấp bình chứa khí N2/CO2 sử dụng nguồn vốn của Hợp đồng EPC với Chủ đầu tư được điều chỉnh theo cơ chế đặc thù tại Quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đó được điều chỉnh theo Phụ lục bổ sung số 26 Hợp đồng EPC ngày 6/7/2017 giữa Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 với PVC). Nội dung chính của Gói thầu là cung cấp các bình chứa và phụ kiện đi kèm (bao gồm khí N2, CO2) theo thiết kế được phê duyệt, vận chuyển đến công trường Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 và bảo hành.
Tính đến thời điểm hiện tại, PVC đã 3 lần mời thầu rộng rãi gói thầu nêu trên, phương thức lựa chọn nhà thầu là 1 giai đoạn 1 túi hồ sơ. Lần đầu, Gói thầu được đóng thầu vào ngày 2/3/2017. Sau đó được mời thầu lại vào tháng 11/2017 và được đóng thầu vào ngày 21/11/2017. Qua 2 lần đấu thầu rộng rãi không thành công, Gói thầu tiếp tục được mời thầu lần 3 trên Báo Đấu thầu và đóng thầu vào ngày 22/2/2018.
Như Báo Đấu thầu đã đăng tin, trong lần đấu thầu thứ 3 này, PVC bị tố làm khó nhà thầu vì yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu (HSDT) trong vòng 1 ngày.
Sau “lùm xùm” này, mới đây, PVC đã có văn bản gửi nhà thầu từng phản ánh tới Báo Đấu thầu thông báo, công tác đánh giá HSDT của các nhà thầu tham gia gói thầu trên đã hoàn tất. Do HSDT của nhà thầu này không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT) về năng lực thực hiện hợp đồng và thời gian bảo hành quy định tại Mục 3 Bảng tiêu chuẩn về đánh giá kỹ thuật HSMT nên không được lựa chọn trúng thầu. Ngoài ra, do các nhà thầu khác cũng không đáp ứng yêu cầu của HSMT nên PVC đã tiến hành hủy thầu gói thầu nêu trên.
“Số phận” gói thầu sẽ ra sao?
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư. PVC là tổng thầu EPC của Dự án. Việc PVC triển khai công tác lựa chọn nhà thầu phụ thực hiện gói thầu trên là để triển khai một phần công việc trong Hợp đồng EPC đã ký với PVN.
Về nội dung bị nhà thầu “tố” làm khó, PVC “trần tình” với Báo Đấu thầu rằng, xét thấy các tài liệu yêu cầu làm rõ HSDT là các tài liệu có sẵn nên việc PVC đề nghị nhà thầu gửi văn bản kèm tài liệu làm rõ cho PVC trong vòng 1 ngày hoàn toàn không phải là ý định làm khó nhà thầu. Sau khi văn bản được ký, đóng dấu, cán bộ của PVC cũng đã gửi ngay văn bản qua email, gọi điện thoại thông báo cho nhà thầu. Cán bộ đấu thầu của PVC thì giải thích với phóng viên Báo Đấu thầu là, do tiến độ gói thầu gấp gáp, PVC rất “sốt ruột” vì đã qua 2 lần đấu thầu mà chưa chọn được nhà thầu nên mới yêu cầu nhà thầu làm rõ HSDT trong vòng 1 ngày.
Tính đến thời điểm hiện tại, qua rà soát dữ liệu, vẫn chưa thấy PVC thông báo mời thầu lại gói thầu này (mời thầu lần 4). Và liệu trong lần mời thầu tiếp theo, việc lựa chọn nhà thầu có được suôn sẻ hay lặp lại “kịch bản” đấu thầu của 3 lần trước đó.
TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho rằng, về bản chất thì nhà thầu rất cần công ăn việc làm. Sau khi đấu thầu rộng rãi mà không chọn được nhà thầu, chủ đầu tư/bên mời thầu cần nghiêm túc rà soát lại toàn bộ quá trình lựa chọn nhà thầu của mình, tìm ra các nguyên nhân, đánh giá một cách khách quan và tổng thể các vấn đề khiến cho cuộc thầu “thất bại” để có hướng xử lý, khắc phục cho lần đấu thầu tiếp theo.