![]() |
Dự án Đường Vành đai 3 TP.HCM chỉ còn 13 tháng để hoàn thành khối lượng công việc còn lại. Ảnh: Song Lê |
Long An bứt tốc trên công trình Vành đai 3
Theo báo cáo của UBND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện các dự án thành phần (DATP) xây lắp thuộc Dự án Vành đai 3 đi qua 4 địa phương, tại DATP 1 (đoạn qua TP.HCM), cả 10/10 gói thầu xây lắp chính đang thi công hạng mục cầu, hầm trên tuyến; thi công nền đường đoạn xử lý đất yếu bằng đào thay đất đóng cừ tràm, trụ đất xi măng (CDM) và hút chân không (PVD). Sản lượng thực hiện 10 gói thầu đạt khoảng 37,8% (sản lượng kế hoạch khoảng 37%) giá trị hợp đồng. Trong đó, Gói thầu XL1 đạt khoảng 46,3%; Gói thầu XL2 đạt khoảng 42,9%; Gói thầu XL3 đạt khoảng 54,4%; Gói thầu XL4 đạt khoảng 29,4%; Gói thầu XL5 đạt khoảng 33,8%; Gói thầu XL6 đạt khoảng 44,6%; Gói thầu XL7 đạt khoảng 35,9%; Gói thầu XL8 đạt khoảng 24,1%; Gói thầu XL9 đạt khoảng 35,3%; Gói thầu XL10 đạt khoảng 21,9%.
Như vậy, Gói thầu XL3 (2.068,91 tỷ đồng) do Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Định An - Công ty CP Xây dựng cầu 75 - Công ty CP Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thái Yên - Công ty CP Phúc Thành An thi công đang có tiến độ tốt nhất. Gói thầu XL10 (1.637,335 tỷ đồng) do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 515 - Công ty CP 479 Hòa Bình - Công ty CP Tập đoàn CIENCO4 - Công ty CP Xây dựng và Thương mại 68 - Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải xây dựng T&T thi công đang có tiến độ chậm nhất.
Tại DATP 3 (đoạn qua tỉnh Đồng Nai), trong 5 gói thầu xây dựng, có 3 gói thầu xây lắp chính và 2 gói thầu phục vụ khai thác, vận hành. Hiện nay, các nhà thầu đang thi công công trình nút giao với đường ĐT.25B và ĐT.25C; thi công phần cống thoát nước và lu lèn nền đường. Sản lượng thực hiện đạt khoảng 32,3% giá trị hợp đồng.
DATP 5 (đoạn qua tỉnh Bình Dương) có 5 gói thầu xây lắp thì 4 gói thầu xây lắp chính đang tập trung thi công các công trình trên tuyến (cầu, hầm, thoát nước), xử lý nền bằng CDM, đắp cát nền đường. Sản lượng thực hiện đạt khoảng 32,2% giá trị hợp đồng.
Tại DATP 7 (đoạn qua tỉnh Long An), trong 7 gói thầu xây dựng, 4 gói thầu xây lắp chính đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới các công trình trên tuyến (cầu, hầm, thoát nước), đang thi công kết cấu phần trên, xử lý nền bằng CDM, đắp cát gia tải. Sản lượng thực hiện đạt khoảng 62,4% giá trị hợp đồng. Đây là địa phương có tiến độ, sản lượng các gói thầu xây lắp tốt nhất toàn Dự án.
Đưa dự án về đích đúng yêu cầu
Theo báo cáo của các địa phương có Dự án đi qua, các DATP đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác trong năm 2026 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.
Các mốc dự kiến hoàn thành, thông xe phần cao tốc trên tuyến, gồm: đến 30/6/2025 hoàn thành một số hạng mục tại phạm vi nút giao TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (nút giao HLD) để thông xe kỹ thuật đồng bộ với cầu Nhơn Trạch (Dự án thành phần 1A do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư). Tháng 12/2025 sẽ thông xe tổng cộng 24,1 km đường cao tốc (bao gồm 14,7 km trên địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM; 6,4 km trên địa bàn tỉnh Long An; 3 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương); thông xe kỹ thuật tổng cộng 41,4 km đường cao tốc (bao gồm 32,6 km trên địa bàn TP. Thủ Đức; 5 km trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; 3,8 km trên địa bàn tỉnh Bình Dương). Đến 30/6/2026 sẽ thông xe toàn tuyến (tổng cộng 76,3 km).
Như vậy, toàn bộ 21 gói thầu xây lắp chính thuộc 4 DATP chỉ còn 13 tháng để hoàn thành khối lượng công việc còn lại. Trong khi đó, nguồn cát đắp nền về công trường còn chậm. Tổng nhu cầu cát đắp nền đường của Dự án khoảng 8,5 triệu m3, trong đó DATP 1 cần 6,6 triệu m3; DATP 3 là 0,5 triệu m3; DATP 5 là 0,7 triệu m3 và DATP 7 xấp xỉ 0,72 triệu m3. Đến nay, tổng khối lượng cát đã huy động về công trường Dự án khoảng 2,94 triệu m3, trong đó, DATP 1 khoảng 2,15 triệu m3. Khối lượng còn lại cần huy động trong năm 2025 của toàn Dự án là 4,8 triệu m3, trong đó DATP 1 là 3,75 triệu m3.
Đến nay, đã cấp phép được 10/14 mỏ cát với công suất khai thác 2,9 triệu m3/năm, khối lượng huy động về công trường khoảng 310.000 m3. Dự kiến đến tháng 6/2025 sẽ đi vào khai thác toàn bộ 14 mỏ, khi đó tổng công suất khai thác cấp cho Dự án năm 2025 là 3,9 triệu m3 (chưa nâng công suất); sau khi nâng công suất các mỏ lên tối đa 50%, tổng khối lượng cung cấp là 4,8 triệu m3, cơ bản đáp ứng nhu cầu còn lại của Dự án trong năm 2025.
Được biết, ngoài nguồn cát huy động từ các địa phương, chủ đầu tư đã chỉ đạo các nhà thầu chủ động huy động thêm nguồn cát thương mại trong nước khác và nguồn từ Campuchia để đảm bảo tiến độ Dự án.