Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng Gói thầu Chi phí mua phân bón tại Đam Rông, Lâm Đồng là nhà thầu xếp thứ 2 do nhà thầu xếp thứ 1 không tới. Ảnh minh họa: St |
Gói thầu trên thuộc Dự án Mua phân bón nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020, lựa chọn nhà thầu qua mạng thông qua hình thức chào hàng cạnh tranh.
Theo phản ánh của Nhà thầu, ngày 5/10/2020, Bên mời thầu và Nhà thầu trúng thầu đã tiến hành thương thảo tiến tới ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thương thảo hợp đồng, Chủ đầu tư và Bên mời thầu đã “áp dụng một văn bản dưới luật để phủ quyết các quy định trong Luật Đấu thầu và nghị định hướng dẫn là làm khó Nhà thầu”.
Cụ thể, theo Nhà thầu, trong quá trình thương thảo hợp đồng, Bên mời thầu có viện dẫn quyết định của UBND huyện Đam Rông (Quyết định 1572/QĐ-UBND và 1573/QĐ-UBND cùng ban hành ngày 11/8/2020 về việc phê duyệt Dự án Hỗ trợ sản xuất Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Đam Rông) để yêu cầu nhà thầu trúng thầu cung cấp đúng chủng loại và nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa đã nêu đích danh là phân NPK 16-8-13S+TE (An Thái). Ngay cả HSMT cũng “chỉ định” sản phẩm này.
Nhà thầu phản ánh nhấn mạnh: “Việc HSMT nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa như vậy là có dấu hiệu vi phạm Điều 89 Luật Đấu thầu”.
Lý giải về việc HSMT nêu đích danh nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa cần mua, ông Nguyễn Tuấn Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng Lộc Thiên, cho hay: “Chúng tôi ghi đúng yêu cầu về nhãn hiệu hàng hóa trong Quyết định số 1752/QĐ-UBND ngày 11/8/2020 phê duyệt dự án này của UBND huyện Đam Rông”.
Theo Bên mời thầu, Khoản 5 Điều 1 Quyết định này ghi rõ sản phẩm vật tư cần mua là phân NPK 16-8-13S+TE (An Thái). Phần ghi chú chỉ tiêu kỹ thuật và chất lượng vật tư cũng nhấn mạnh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, các chỉ tiêu đăng ký chất lượng sản phẩm hàng hóa của nhà sản xuất, cấp đúng chủng loại theo yêu cầu tại Văn bản thẩm định số 27/TĐ-NN ngày 3/8/2020 của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. “Do vậy, khi xây dựng HSMT, chúng tôi kẹt ở yêu cầu này”, ông Long cho biết.
Theo Bên mời thầu, nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng là nhà thầu xếp thứ 2 do nhà thầu xếp thứ 1 không tới nhưng cũng không nêu rõ lý do từ chối.
Cũng theo Bên mời thầu, HSMT đưa ra yêu cầu như vậy nhưng trong quá trình nhận hồ sơ, làm bài thầu hay thương thảo hợp đồng, Nhà thầu lại không có ý kiến.
Một chuyên gia về đấu thầu khẳng định, việc HSMT nêu đích danh nhãn hiệu hàng hóa như vậy là vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu. Theo quy định của Luật Đấu thầu, việc nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong HSMT đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế là một trong những hành vi bị cấm.
Hướng dẫn về lập HSMT, Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: “HSMT không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa, nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô, đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu”.