Gói thầu xây lắp “khủng” tại Thái Bình: Bao biện yêu cầu “tréo ngoe”?

(BĐT) - Mặc dù hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu xây lắp “khủng” đưa ra nhiều yêu cầu “tréo ngoe”, nhưng trong văn bản giải trình Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thái Bình, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh này vẫn đưa ra nhiều lý do thiếu thuyết phục để bao biện cho các yêu cầu khó hiểu của HSMT.
Gói thầu xây lắp “khủng” tại Thái Bình: Bao biện yêu cầu “tréo ngoe”?

Phớt lờ khuyến nghị của cơ quan chức năng

Như Báo Đấu thầu đã phản ánh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình (Bên mời thầu) vừa mở hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT) Gói thầu Xây lắp công trình (gồm cả hạng mục chung và dự phòng) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng công trình Tuyến đường liên tỉnh nối đường Vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình với Quốc lộ 38B và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trên địa phận tỉnh Hưng Yên, đoạn trên địa phận tỉnh Thái Bình và cầu La Tiến. Gói thầu này có bảo đảm dự thầu lên tới 5 tỷ đồng, với sự tham gia nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) của 4 nhà thầu. 

Trong quá trình phát hành HSMT Gói thầu, một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị Bên mời thầu làm rõ HSMT, trong đó có yêu cầu liên danh không quá 2 thành viên và công trình cấp III nhưng lại yêu cầu hợp đồng tương tự của công trình cấp II. Theo nhà thầu, đây là những yêu cầu “oái oăm” làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.

Liên quan đến gói thầu này, Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, việc HSMT đưa ra yêu cầu không được quá 2 thành viên trong liên danh (trong đó thành viên đứng đầu liên danh tối thiểu đảm nhiệm toàn bộ hạng mục cầu) và nhà thầu phải có hợp đồng tương tự là công trình cấp II sẽ làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, gây cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Tuy nhiên, giải trình với Sở KH&ĐT tỉnh Thái Bình, Bên mời thầu cho rằng, ý kiến nêu trên của Cục QLĐT chỉ là quan điểm dựa theo nguyên tắc của pháp luật về đấu thầu. Hiện nay, Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật chưa có quy định cụ thể thế nào là hạn chế nhà thầu, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng. Vì vậy, việc đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá trong HSMT ngoài dựa trên nguyên tắc của Luật còn phụ thuộc vào mục tiêu, tính chất, quy mô của mỗi gói thầu cụ thể.

Về yêu cầu của HSMT là nhà thầu phải từng thi công công trình đường bộ cấp II, Bên mời thầu cho biết, cấp công trình quy định trong HSMT là cấp công trình được phân cấp theo Thông tư số 03/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 của Bộ Xây dựng quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng. 

Giải trình thiếu thuyết phục!

Từ những nội dung kiến nghị của nhà thầu, ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở Trung ương, dư luận đang đặt nhiều nghi vấn về việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình đã cố ý đưa ra các tiêu chí “làm khó” nhà thầu. Mặc dù vậy, theo Bên mời thầu, việc đưa ra các tiêu chí như vậy chỉ nhằm mục đích chọn được nhà thầu chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thi công, năng lực tài chính tốt, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ xây dựng công trình.

Thậm chí, Bên mời thầu còn cho rằng: “Nếu hiểu các tiêu chí đánh giá trong HSMT là hạn chế sự tham gia của nhà thầu thì trong tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong HSMT không được nêu bất kỳ yêu cầu nào như mẫu HSMT do Bộ KH&ĐT ban hành ngoài việc chỉ yêu cầu nhà thầu có chứng chỉ năng lực được cấp, trong đó phạm vi hoạt động phù hợp với cấp công trình của gói thầu”.

Ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục QLĐT cho rằng, trong trường hợp này, rõ ràng các tiêu chí của HSMT đã không tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu, không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Điều này đồng nghĩa với việc khó có cơ sở khẳng định sẽ chọn được nhà thầu tốt nhất thực hiện gói thầu này như “lý giải” của Bên mời thầu.

“Cách giải thích của Bên mời thầu cho thấy có sự cố tình khi đưa ra các tiêu chí không phù hợp vào HSMT. Trong trường hợp này rất cần sự vào cuộc của Sở KH&ĐT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở địa phương và ý kiến “trọng tài” của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình – cấp quản lý trực tiếp của Bên mời thầu để làm rõ sự việc”, ông Tăng nêu quan điểm.

Tin cùng chuyên mục