Gói thầu xây trường học tại An Lão (Bình Định): Chủ đầu tư không loại oan nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ công nghệ Tân Phát (gọi tắt là Tân Phát) vừa có đơn kiến nghị gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện An Lão (tỉnh Bình Định) cùng các đơn vị liên quan đề nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Toàn bộ khối lượng xây dựng công trình thuộc Dự án Trường Tiểu học An Tân (hạng mục xây dựng 1 phòng đa chức năng, 1 thư viện) do nghi vấn bị loại oan. Chủ đầu tư đã lên tiếng phản hồi làm rõ nghi vấn này.
Gói thầu Toàn bộ khối lượng xây dựng công trình thuộc Dự án Trường Tiểu học An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đã chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Gói thầu Toàn bộ khối lượng xây dựng công trình thuộc Dự án Trường Tiểu học An Tân (huyện An Lão, tỉnh Bình Định) đã chọn được nhà thầu. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Gói thầu nêu trên có giá 3,88 tỷ đồng nên chỉ cho phép các nhà thầu là doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ tham dự. Kết quả, Liên danh Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng Duy Khương - Công ty TNHH Nguyên Thảo trúng thầu với giá 3,621 tỷ đồng. Hiện Chủ đầu tư và Nhà thầu trúng thầu chưa ký kết hợp đồng do phải xử lý kiến nghị trong đấu thầu.

Bị loại vì không đáp ứng tư cách hợp lệ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT), Tân Phát đã có đơn kiến nghị xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu, dừng ký kết hợp đồng với Nhà thầu trúng thầu. Tân Phát cho rằng, việc đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) chưa khách quan, chưa tuân thủ các quy định pháp luật về DN, đấu thầu, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhà thầu. “Tân Phát là DN nhỏ, đáp ứng các điều kiện về cấp DN theo yêu cầu của HSMT. Bên mời thầu xác định Công ty không phải DN nhỏ là không đúng quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (NĐ 80) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa”, Tân Phát nêu rõ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Trà, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ công nghệ Tân Phát cho biết thêm, theo nội dung đăng ký DN, Tân Phát có ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn máy móc, thiết bị phụ tùng máy khác, gần đây bổ sung thêm hoạt động kinh doanh xây dựng. Chiếu theo tiêu chí xác định cấp DN được quy định tại NĐ 80, Tân Phát là DN nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ (tổng doanh thu < 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn < 50 tỷ đồng). Do đó, Tân Phát đủ điều kiện tham gia gói thầu dành cho cấp DN siêu nhỏ và nhỏ. Hơn nữa, trong tổng doanh thu năm 2023 của Tân Phát, hơn 70% đến từ hoạt động thương mại và dịch vụ, gần 20% đến từ hoạt động xây dựng. Với việc tách bạch nguồn thu như vậy, Tân Phát đáp ứng tính hợp lệ về cấp DN tham gia gói thầu xây lắp này. Ngoài ra, Tân Phát có giá dự thầu cạnh tranh hơn Nhà thầu trúng thầu (thấp hơn khoảng 400 triệu đồng), giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Minh Cường, cán bộ phụ trách Gói thầu thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện An Lão khẳng định: “Việc loại Tân Phát là đúng quy định do nhà thầu này không phải là DN siêu nhỏ hoặc nhỏ trong lĩnh vực xây dựng, không đáp ứng tư cách hợp lệ của nhà thầu theo yêu cầu của HSMT (gói thầu này chỉ dành cho nhà thầu cấp nhỏ và siêu nhỏ). Tổng doanh thu năm 2023 của Tân Phát là 95,381 tỷ đồng, tổng nguồn vốn là 36,574 tỷ đồng, đều vượt ngưỡng quy định về cấp DN siêu nhỏ cũng như DN nhỏ lĩnh vực xây dựng tại NĐ 80”.

Ông Cường nhấn mạnh, Gói thầu đang xét thuộc lĩnh vực xây lắp. Do đó, việc đơn vị tư vấn và Bên mời thầu áp dụng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 NĐ 80 để đánh giá về ưu đãi đối với DN siêu nhỏ và nhỏ trong lĩnh vực xây dựng là phù hợp.

Về tiêu chí xác định DN siêu nhỏ lĩnh vực xây dựng để được hưởng ưu đãi, khoản 1 Điều 5 NĐ 80 có quy định, là DN sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.

Với DN nhỏ lĩnh vực xây dựng, khoản 2 Điều 5 NĐ 80 quy định, là DN sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng.

Căn cứ tiêu chí trên, chuyên gia về DN nhỏ và vừa cho rằng, Tân Phát không phải là DN siêu nhỏ hoặc nhỏ thuộc phạm vi mời thầu (gói thầu xây lắp) vì có tổng doanh thu hoặc tổng nguồn vốn của năm tài chính 2023 đều lớn hơn ngưỡng quy định. Do đó, Tân Phát bị loại từ “vòng gửi xe” là đúng.

Một chuyên gia đấu thầu cho rằng, trong trường hợp này, Tân Phát vẫn được tham gia lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên, vì vướng điều kiện gói thầu (gói thầu xây lắp chỉ dành cho nhà thầu là DN cấp nhỏ và siêu nhỏ) nên bị loại là đúng. Hơn nữa, mẫu số 3A - Mẫu HSMT xây lắp tại Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn, doanh thu bình quân hàng năm của nhà thầu (không bao gồm thuế VAT) của năm tài chính gần nhất là yêu cầu doanh thu hoạt động trong năm của cả DN, không phải yêu cầu “doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng”. Quy mô của DN thể hiện trên tổng doanh thu chứ không bóc tách từng lĩnh vực như quan điểm của Nhà thầu.

Tin cùng chuyên mục