Ảnh Internet |
Những đánh giá này được đưa ra trước thềm cuộc họp của OPEC và các đối tác ngoài khối gồm Nga, thường gọi là liên minh OPEC+, dự kiến diễn ra tại Vienna, Áo vào ngày 4/12. Cuộc họp sẽ quyết định mức hạn ngạch sản lượng của các thành viên liên minh trong thời gian tới.
Thị trường dầu toàn cầu đang bị chi phối bởi nỗi lo suy thoái kinh tế, sự suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc do phong toả chống Covid-19, và đánh giá của nhà đầu tư về tác động của trần giá mà phương Tây chuẩn bị áp đặt đối với dầu thô Nga.
Sự kết hợp của các yếu tố này là lý do dẫn tới việc Goldman Sachs trong những tháng gần đây liên tục cắt giảm dự báo giá dầu ngắn hạn. Cách đây hơn 1 tuần, Goldman Sachs giảm dự báo giá dầu thế giới trong quý IV/2022 còn 100 USD/thùng, thấp hơn 10 USD/thùng so với dự báo trước đó.
Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu
Tuy nhiên, triển vọng giá dầu trong năm 2023 là "rất tích cực" và Goldman Sachs giữ nguyên mức dự báo giá dầu Brent 110 USD/thùng trong năm tới. Mặc dù vậy, ngân hàng này cũng thừa nhận rằng "còn nhiều bấp bênh" trước mắt.
Giá dầu thế giới đã giảm mạnh thời gian gần đây. Từ mức 100 USD/thùng vào cuối tháng 8, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London hiện đã giảm về mức 85 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York còn khoảng 80 USD/thùng.
"Nhu cầu dầu ở Trung Quốc có lẽ lại đang giảm, xét tới những gì đang diễn ra. Tôi cho rằng, vấn đề của Trung Quốc là cho dù có mở cửa trở lại, nhiều người vẫn ngại đi lại ở những nơi công cộng, và nhu cầu dầu sẽ còn giảm nữa", ông Jeff Currie - trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hoá cơ bản của Goldman Sachs nhận xét.
Theo ông Currie, các nước thành viên OPEC+ sẽ phải thảo luận để tìm cách thích ứng với sự suy giảm nhu cầu dầu của Trung Quốc.
Hồi đầu tháng 10, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11. Động thái này diễn ra bất chấp những lời kêu gọi của Mỹ muốn OPEC+ tăng sản lượng để kéo giá dầu xuống và hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.
Do Saudi Arabia và Nga dẫn đầu, OPEC+ cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2020 khi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Liên minh dầu lửa này sau đó đã nâng dần sản lượng trở lại mức cũ, nhưng trên thực tế, nhiều nước thành viên OPEC+ không thể đạt mức hạn ngạch sản lượng đề ra.
Gần đây, OPEC+ phát tín hiệu có thể cắt giảm sản lượng sâu hơn để cứu giá dầu. Tín hiệu này được đưa ra cho dù một báo cáo của tờ Wall Street Journal cho rằng OPEC+ đang thảo luận khả năng tăng sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày trong cuộc họp ngày 4/12.