Dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1 được UBND TP. Hà Nội phê duyệt từ năm 2002 và khởi công vào tháng 3/2014. Dự án đi qua quận Thanh Xuân và Hoàng Mai với chiều dài khoảng 2,1 km, mặt đường rộng 40 m với tổng mức đầu tư khoảng 1.300 tỷ đồng. |
Tuyến đường dự kiến đưa vào sử dụng năm 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành. Máy móc, vật liệu được tập kết ngổn ngang từ nút giao ngõ 192 Lê Trọng Tấn tới khu vực Đầm Hồng. |
Hiện nay, 3 - 4 công nhân thi công cầm chừng tại đoạn đầu tuyến. "Chúng tôi mới thi công trở lại khoảng 3 tháng nay, công việc là đóng cọc làm tường vây để xây dựng cống thoát nước ở đoạn đầu tuyến khu vực Đầm Hồng", anh Phan Văn Huấn nói. |
Mặt đường khu vực này chưa được thi công. Nhiều hố công trình sâu, khói bụi và những bãi rác xuất hiện ngay giữa đường. |
Người phụ nữ này cho biết, khu vực này đã được giải phóng mặt bằng xong. Tuy nhiên nhiều năm qua cả gia đình vẫn phải sống trong căn nhà cấp 4 với mái tôn tạm bởi chính quyền không cho phép thi công, sửa chữa. “Dự án thi công dang dở, nắng thì bụi, mưa lại lầy lội. Những ngày hanh khô thế này tôi chỉ quét một lần mỗi ngày bởi quét xong 1 - 2 tiếng, cát bụi lại bám đầy mặt sân”, bà nói. |
Khoảng 1 km từ ngõ 192 Lê Trọng Tấn tới đoạn giao cắt với phố Trần Nguyên Đán cơ bản được hoàn thiện phần kết cấu mặt đường và vỉa hè. |
Tuy nhiên, tại đây chưa có hệ thống biển báo, vạch kẻ đường và phương án tổ chức giao thông. Xe cộ đi lại hỗn loạn. Nhiều ô tô đỗ ngay dưới lòng đường, sát dải phân cách. Ông Lê Minh (phường Định Công, Hoàng Mai) cho biết, những vụ va chạm tại đây xảy ra thường xuyên. "Về đêm, hàng loạt xe tải, xe hút bể phốt từ khắp nơi kéo về tập kết khiến chúng tôi không thể ngủ", ông nói. |
Đến đoạn đường cụt, nhiều xe phải chuyển hướng đi vào ngõ 192 Lê Trọng Tấn. Ngõ hẹp khiến cảnh ùn tắc tại đây xuất hiện bất kể thời gian trong ngày. |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn, hiện Dự án còn vướng giải phóng mặt bằng tại ngõ 176 Định Công với khoảng 2.300 m2 đất. |
Ngoài ra, khu vực cầu sông Lừ với khoảng 700 m2 của 14 hộ dân cũng chưa được giải tỏa. "UBND TP. Hà Nội đã giao Thanh tra Thành phố rà soát để đảm bảo điều kiện cưỡng chế, đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường xác định điều chỉnh giá đền bù giải phóng mặt bằng", ông Tuấn nói. |
Nhiều cột điện và hệ thống dây chằng chịt nằm giữa đoạn đường chưa hoàn thiện tiềm ẩn nguy hiểm cho người qua lại, nhất là trong những ngày mưa gió. |
Sắt thép thi công dang dở tại hạng mục cầu sông Lừ hoen gỉ sau nhiều năm bỏ dở thi công. |
Cơ quan chức năng Hà Nội chưa thể dự kiến ngày hoàn thành tuyến đường dài 2,1 km sau gần 8 năm khởi công. "Môi trường ô nhiễm, vỉa hè và hạ tầng chưa hoàn thiện nên tôi rất lo lắng khi đứa cháu đang chơi chẳng may lao ra đường, rất nguy hiểm", ông Nguyễn Trần Hà (phường Định Công, quận Hoàng Mai), chia sẻ. |
Điểm cuối tuyến của dự án kết nối với đường Kim Đồng qua nút giao với đường Giải Phóng. Năm 2018, UBND Hà Nội đã phê duyệt nghiên cứu tiền khả thi Dự án hầm chui qua đây để tránh xung đột với hệ thống đường sắt. Theo phương án, hầm chui dài khoảng 600 m với tổng mức đầu tư 670 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án dự kiến từ năm 2019 - 2020, tuy nhiên đến nay hầm chui này chưa được khởi công do đường Vành đai 2,5 Đầm Hồng - Quốc lộ 1 chưa hoàn thành. |
Đầu năm 2021, Sở Giao thông vận tải Hà Nội báo cáo đề xuất Thành ủy về nhóm 7 công trình đường vành đai nằm trong danh mục nhóm công trình giao thông quan trọng triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, giai đoạn tiếp theo, Hà Nội dự kiến đầu tư trên 7.300 tỷ đồng để khép kín tuyến Vành đai 2,5 từ Đầm Hồng đến phố Ngụy Như Kon Tum với độ dài khoảng 1,9 km. |
Đoạn Vành đai 2,5 đi qua địa phận 2 quận Thanh Xuân và Hoàng Mai. Ảnh: Google Maps. |