Hà Nội gấp rút về đích các công trình giao thông trọng điểm

0:00 / 0:00
0:00
Nhằm tăng khả năng kết nối, giảm tình trạng ùn tắc, quá tải hạ tầng, TP. Hà Nội đang tập trung đẩy nhanh hoàn thành các dự án, công trình giao thông. Trong đó, có những dự án tại các “nút thắt, điểm nghẽn giao thông” như đường Lê Văn Lương, cầu Vĩnh Tuy...

Một trong những dự án giao thông mà thành phố Hà Nội đang tăng tốc tiến độ là Dự án Xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3. Với chiều dài hầm 475m, mặt cắt ngang gồm 2 hầm riêng biệt, phân cách hai chiều bằng dải phân cách rộng 1m, Dự án Xây dựng hầm chui Lê Văn Lương được kỳ vọng không chỉ giải bài toán xung đột giao thông, giảm áp lực cho một trong những tuyến đường chật chội nhất Thủ đô, mà còn góp phần cải thiện môi trường.

Ông Nguyễn Chí Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ công trình, chủ đầu tư đang thực hiện thi công gấp rút, 3 ca liên tục.

“Đối với hầm Lê Văn Lương cái khó khăn nhất là thi công các hầm kín. Hiện nay, nhà thầu đã hoàn thành hầm kín, tổ chức lại nút giao thông Lê Văn Lương để các phương tiện lưu thông, đồng thời triển khai thi công các hầm hở. Chúng tôi cố gắng phấn đấu khánh thành dịp 10/10/2022”, ông Cường nói.

Dự án đường Vành đai 2 (Hà Nội) đoạn Minh Khai - Đại La trong quá trình thi công.

Dự án đường Vành đai 2 (Hà Nội) đoạn Minh Khai - Đại La trong quá trình thi công.

Tương tự, tại Dự án cầu Vĩnh Tuy 2, đường Vành đai 2, nhà thầu cũng đang chạy đua với thời gian để đảm bảo tiến độ công trình. Sau hơn 1 năm thi công, đến nay, Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 đã thực hiện được khoảng 70% khối lượng công trình. Với mục tiêu đến năm 2023 có thể đưa Dự án cầu Vĩnh Tuy 2 vào khai thác, nhà thầu đã huy động nhân lực, vật lực tập trung thi công các trụ vượt sông, phấn đấu cuối năm 2022 cơ bản đúc xong các khối K đúc hẫng.

Trong buổi kiểm tra tại Dự án Xây dựng cầu Vĩnh Tuy vừa qua, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, cũng như ban ngành liên quan trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án: “Tất cả anh em rất nỗ lực từ tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đến 8 nhà thầu thi công. Mình duy trì sự hối hả, và trước hết là trong quý 4 xong hết các nhịp cầu dẫn từ phía Long Biên sang. Coi đây là minh chứng phát huy một dự án trọng điểm về đích sớm, hiệu quả và chất lượng”.

Dự án Xây dựng Cầu Vĩnh Tuy 2 là một trong những dự án trong danh mục công trình trọng điểm của thành phố Hà Nội, nhằm mục tiêu hoàn thiện toàn bộ đường Vành đai 2; tăng cường khả năng kết nối giữa 2 bên bờ sông Hồng, tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc Thủ đô.

Để tạo trục giao thông thông suốt, cùng với cầu Vĩnh Tuy 2, Hà Nội cũng đang đẩy nhanh Dự án Đường Vành đai 2 (Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở). Trong đó, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đoạn Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy đang được các đơn vị thi công huy động tối đa nhân lực, phương tiện tăng tốc thi công. Sau khi cầu Vĩnh Tuy và đường Vành đai 2 được khớp nối sẽ hình thành trục giao thông hoàn chỉnh khu vực trung tâm thành phố với khu vực phía Bắc.

Tăng cường hạ tầng giao thông, đến nay, thành phố Hà Nội đã trình thẩm định phê duyệt 4/4 đồ án quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về mạng lưới đường bộ, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, mạng lưới đường sắt, phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay... Tập trung đẩy nhanh hoàn thành các công trình quan trọng của thành phố trong giai đoạn 2021-2026 như nút giao giữa đường Vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức); hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng; cầu vượt tại nút giao đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch…

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: “Trong giai đoạn đầu tư công 2021 - 2025 Thành phố hoàn thành một sô tuyến đường quan trọng như Vành đai 3. Theo phân cấp đầu tư giữa Bộ Giao thông và thành phố thì Hà Nội đầu tư từ vành đai 3.5 trở lại. Còn vành đai 4, vành đai 5 Bộ Giao thông đầu tư. Mục tiêu hoàn thành tuyến đường 3.5 từ 2021-2025”.

Việc nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn Thành phố đảm bảo và vượt tiếm độ được xem là thành công của Hà Nội trong xây dựng, phát triển hạ tầng giao thông. Từ đó, tăng khả năng kết nối cũng như cải thiện tình hình giao thông tại nhiều cung đường, tuyến phố thường xuyên “lê liệt” lâu nay./.