Phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố (Ảnh: UBND TP. Hà Nội) |
Sáng 25/4, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về việc đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố. Tại phiên họp giải trình, nhiều đại biểu đã chỉ ra thực trạng một số công viên, vườn hoa trên địa bàn Thành phố xuống cấp, lỏng lẻo trong quản lý; trong khi một số dự án công viên sử dụng vốn ngoài ngân sách lại chậm triển khai.
Các đại biểu Phạm Hải Hoa (Mỹ Đức), Duy Hoàng Dương (tổ Hoài Đức), Lâm Thị Quỳnh Dao (tổ Nam Từ Liêm), Nguyễn Nguyên Quân (tổ Sơn Tây), Trần Khánh Hưng (tổ Ba Vì) đặt vấn đề, vườn hoa Ngọc Lâm (quận Long Biên) đã xuống cấp, lỏng lẻo trong quản lý; một số dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách nhà nước như Dự án công viên Hello Kitty nằm trên khu "đất vàng" Hồ Tây chậm triển khai, lãng phí rất lớn về đất đai; Công viên Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã được quận cải tạo nhưng đến nay không hoạt động, nhiều hạng mục bị lấn chiếm; quận Nam Từ Liêm là quận duy nhất tại Hà Nội có quy hoạch Trung tâm văn hóa thông tin quận tại phường Xuân Phương, nhưng chưa được đầu tư, mặc dù đã được giải phóng mặt bằng nhưng sử dụng sai mục đích… Các đại biểu đề nghị giải trình rõ nguyên nhân và đề nghị đưa ra các giải pháp trong thời gian tới.
Về công tác quản lý vườn hoa Ngọc Lâm, lãnh đạo UBND quận Long Biên cho hay, năm 2016, dự án này được Thành phố giao về Sở Xây dựng quản lý, Công ty Công viên cây xanh duy tu duy trì. Sau khi có điều chỉnh phân cấp, UBND Quận tiếp nhận nguyên trạng từ Sở Xây dựng và các đơn vị từ tháng 1/2022. Ngay sau đó, Quận đã đưa Dự án vào cải tạo chỉnh trang, để tháng 6/2022 trình HĐND Quận. Dự kiến, Dự án sẽ được quận cải tạo lại toàn bộ và vườn hoa sẽ quay lại phục vụ vui chơi giải trí của nhân dân vào quý I/2023. UBND quận cũng đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất Quận cùng UBND phường Ngọc Lâm xử lý các vấn đề tồn tại, dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4.
Trả lời về Dự án Công viên Bắc Linh Đàm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho rằng, Công viên có diện tích hơn 48.000 m2. Tháng 1/2022, Quận nhận bàn giao tiếp nhận hơn 18.000 m2 từ Sở Xây dựng, phần diện tích còn lại do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) quản lý, trong đó, có nhiều công trình dịch vụ. Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nhấn mạnh: “Công viên Bắc Linh Đàm ở vị trí có 2 phường dân số đông, việc quản lý cũng chưa rốt ráo. Trong sáng 26/4, Quận sẽ làm việc với HUD về đầu tư cải tạo bảo đảm sáng, xanh, sạch, đẹp; đồng thời, giao các phường ra quân xử lý vi phạm".
Về Dự án Trung tâm văn hóa thông tin quận Nam Từ Liêm tại phường Xuân Phương, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường giải thích, các thiết chế văn hóa cấp phường và tổ dân phố trên địa bàn Quận đã hoàn thành. Hiện nay, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm có 2 thiết chế văn hóa của Trung ương nên Quận đề nghị xem xét lại hiệu quả đầu tư thiết chế văn hóa cấp quận.
Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành giai đoạn 1 |
Tại phiên giải trình, đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Nam Từ Liêm), Trần Hợp Dũng (tổ Thanh Trì), Nguyễn Quang Thắng (tổ Long Biên), Nguyễn Minh Tuân (tổ Phú Xuyên) đề nghị làm rõ về tiến độ thực hiện Dự án Bảo tàng Hà Nội giai đoạn 2 triển khai xây dựng 8 năm vẫn chưa hoàn thành; Dự án Công viên Văn hóa Thể thao quận Đống Đa được phê duyệt từ 2001, đến nay hơn 20 năm vẫn chậm triển khai…
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở VHTT Đỗ Đình Hồng cho biết: "Dự án Bảo tàng Hà Nội là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong hệ thống bảo tàng nước ta với tổng số kinh phí là trên 2.300 tỷ đồng. Năm 2010, Dự án đã được khánh thành phần xây dựng và bắt đầu thực hiện dự án thiết kế. Đây là công đoạn cần nhiều “hội tụ” của cấp quản lý, các nhà khoa học, văn hóa, lịch sử. Vì thế, mất rất nhiều thời gian".
Nêu thêm về những nguyên nhân khách quan trọng thực hiện dự án này, Giám đốc Sở VHTT cho biết, UBND Thành phố đã thành lập Hội đồng tư vấn khoa học để xây dựng dự án thiết kế. Năm 2009, Thành phố đã phê duyệt đề cương trưng bày thiết kế bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó, toàn bộ hệ thống hiện vật chưa được kiểm kê, cho tới năm 2020, UBND Thành phố phê duyệt lại đề cương thiết kế bảo tàng. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, chủ đầu tư cũng thay đổi từ Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, tới nay là Bảo tàng Hà Nội...
Theo Giám đốc Sở VHTT, khi tiếp cận với công việc này, Sở đã rà soát lại Dự án với số lượng công việc rất lớn, liên quan tới nhiều ngành nhiều cấp. Ngoài hiện vật của Hà Nội đã sưu tầm thì trang thiết bị và công nghệ để thể hiện các hiện vật này cũng rất quan trọng, cần sự tư vấn của các chuyên gia của Nhật, Pháp. Thời điểm dịch Covid-19, Sở đã cố gắng trao đổi với các chuyên gia, đến nay, cơ bản được 65% thiết kế thi công. Riêng thiết kế kỹ thuật đã làm xong gửi Sở Xây dựng vào ngày 31/3. Sau khi thanh tra xong, sẽ báo cáo UBND phê duyệt điều chỉnh dự án này.
Bên cạnh các nguyên nhân khách quan trên, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Đỗ Đình Hồng cũng thừa nhận nguyên nhân chủ quan thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư là Bảo tàng Hà Nội và Sở Văn hóa - Thể thao. Cho rằng dự án này rất khó, trải qua nhiều công đoạn, Giám đốc Sở VHTT cho biết, Sở đã báo cáo UBND Thành phố thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cho Ban quản lý dự án bảo tàng, trực tiếp Giám đốc Sở VHTT làm tổ trưởng với sự tham gia của Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư... Dự kiến trong tháng 5, Sở Xây dựng sẽ thẩm định trong phần thiết kế kỹ thuật, báo cáo UBND Thành phố phê duyệt lại các nội dung có liên quan. Cuối tháng 8, sẽ trình hoàn thiện xây dựng thiết kế thi công, cuối tháng 9 thực hiện dự án thiết kế...
Đối với Dự án Công viên Văn hoá Thể thao quận Đống Đa, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) Nguyễn Trọng Kỳ Anh thông tin, Dự án gặp khó khăn vướng mắc lớn nhất là công tác giải phóng mặt bằng. Với quỹ đất 8,5 ha của giai đoạn 1, việc giải phóng mặt bằng mới triển khai được 1,9 ha. Đây là vướng mắc giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai vừa qua.
"Tới đây, quận Đống Đa và Ba Đình cần có pháp lý đối với các hộ dân sử dụng đất hiện nay đang trong khu vực công viên để Sở rà soát về ranh giới mới. Sở QHKT và Viện Quy hoạch xây dựng sẽ có kiến nghị với Thành phố về ranh giới mới của Dự án. Nếu 2 quận đáp ứng được tiến độ rà soát Dự án thì Sở QHKT sẽ trình UBND Thành phố phương án điều chỉnh Công viên văn hóa Đống Đa trong nửa đầu năm 2022", ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết.
Thành phố Hà Nội đang triển khai 45 dự án công viên và khu vui chơi (tổng mức đầu tư 25.600 tỷ đồng); 44 dự án thể thao (tổng mức đầu tư 9.824 tỷ đồng). Trong giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến, triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng), Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng). Các rạp chiếu phim hiện đại trong các trung tâm thương mại.
Qua phiên giải trình, theo Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn Thành phố còn tồn tại khó khăn, hạn chế như: Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao còn thiếu; nhiều thiết chế chưa đạt chuẩn, xuống cấp, trang thiết bị chưa đồng bộ; một số dự án công viên, khu vui chơi giải trí, bảo tàng, trung tâm văn hóa còn chậm tiến độ. Công tác quản lý, khai thác một số thiết chế văn hóa còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả, có trường hợp sử dụng sai mục đích; Còn thiếu các văn bản hướng dẫn quy chế, quản lý, khai thác và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, dẫn đến tình trạng quản lý và khai thác gặp nhiều vướng mắc, lúng túng, chưa có sự thống nhất...
Từ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm đã được chỉ ra trong phiên giải trình, Chủ tịch HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố, các sở, ban, ngành Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu và có các giải pháp hết sức khẩn trương, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, xác định rõ lộ trình, phân công rõ trách nhiệm để khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra.
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, sau phiên họp giải trình này, Thường trực HĐND Thành phố sẽ ban hành Thông báo kết luận làm cơ sở để tổ chức triển khai và giám sát kết quả thực hiện.