Ảnh minh họa: Internet |
Theo đó, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn Hà Nội đến 30/9/2022 ước đạt 4.562.980 tỷ đồng, tăng 7,33% so với 31/12/2021. Trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 7,56%, tiền gửi thanh toán tăng 7,51% so với 31/12/2021.
Các TCTD trên địa bàn Thủ đô chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, dành vốn tín dụng cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, đồng thời triển khai các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Tổng dư nợ của các TCTD trên địa bàn đến 30/9/2022 ước đạt 2.850.705 tỷ đồng, tăng 10,25% so với 31/12/2021. Dư nợ ngắn hạn tăng 12,92%, dư nợ trung và dài hạn tăng 8,57%; dư nợ VND tăng 11,24%, dư nợ ngoại tệ tăng 1,34% so với 31/12/2021.
Dự kiến đến 30/9/2022, nợ xấu của các TCTD trên địa bàn chiếm 1,89% trong tổng dư nợ. Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo. Các TCTD tích cực nâng cao năng lực quản lý rủi ro đối với các khoản vay thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề.
Những tháng cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Hà Nội tiếp tục chỉ đạo TCTD trên địa bàn triển khai tích cực và hiệu quả chính sách và giải pháp của ngành Ngân hàng nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, tiếp nhận và kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc của khách hàng, người dân; xử lý nghiêm các TCTD không chấp hành, chậm xử lý, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong triển khai theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.