Hà Nội phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư 25 dự án đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HĐND về phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của Thành phố. 25 dự án đầu tư đã được phê duyệt/điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo Nghị quyết số 07/NQ-HĐND, HĐND Thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư của 21 dự án (gồm: 2 nhóm A; 13 nhóm B; 6 nhóm C) với tổng mức đầu tư dự kiến là 14.604.503 triệu đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của 4 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.274.177 triệu đồng.

UBND Thành phố chịu trách nhiệm về tính chính xác của hồ sơ, tính chính xác của tài liệu với thực địa. Trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với các quy hoạch (quy hoạch chung cấp huyện đang lập), đảm bảo không trùng lắp, tiết kiệm và hiệu quả.

Một số dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư có thể kể đến như: Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Phú Xuyên; Dự án Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đống Đa; Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lưu niệm 48 Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm; Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích 5D Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm; Dự án Tu bổ, tôn tạo Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín...; Dự án Xây dựng cầu Thượng Cát và đường hai đầu cầu; Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Tân Phú bắc qua sông Đáy, huyện Quốc Oai và huyện Hoài Đức...

HĐND thành phố Hà Nội giao UBND Thành phố tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo không trùng lặp và tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định; xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành; trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và pháp luật liên quan; trong công tác lập, trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cần lưu ý thực hiện (hoặc giải trình việc không thực hiện) ý kiến của các sở, ngành đã đóng góp tại bước lập, trình, thẩm định, thẩm tra, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm B, C tại Điều 1 và Điều 2 của Nghị quyết này trong trường hợp điều chỉnh thời gian và tiến độ thực hiện dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng dưới 5%; chủ động rà soát, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án khi cần điều chỉnh tiến độ thực hiện và tổng mức đầu tư dự án theo Điểm d, Khoản 3, Điều 1 Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố.

Chỉ đạo các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án. Tăng cường kiểm tra nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.

Trong công tác xây dựng, cập nhật kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và hằng năm cần cân đối nguồn vốn ngân sách cấp thành phố và ngân sách cấp huyện (đối với các dự án sử dụng ngân sách cấp huyện) theo tiến độ đảm bảo hoàn thành các dự án theo thời gian thực hiện dự án đã được phê duyệt. Việc sử dụng các nguồn vốn có thể huy động thêm (nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng, vốn vay nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước, Quỹ Dự trữ tài chính...) cần được lập đề án cụ thể, trình cấp có thẩm quyền và HĐND Thành phố quyết định theo đúng quy định.

HĐND thành phố Hà Nội giao Thường trực HĐND Thành phố, các Ban của HĐND và các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND Thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Tin cùng chuyên mục