Giá nước sạch tại Hà Nội chưa được điều chỉnh trong 10 năm qua. |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để 100% người dân đô thị, nông thôn đều được sử dụng nước sạch, giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn và mạng cấp nước. Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án cấp nước.
Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực nông thôn do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi.
Ngoài ra, giá nước sạch được TP. Hà Nội áp dụng 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư bỏ cuộc, chậm triển khai tiếp dự án... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020.
Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của Thành phố. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85% (hơn 4 triệu người với hơn 1 triệu hộ dân).
Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Theo đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.
Cuối năm 2022, Công ty CP Nước mặt sông Đuống cũng thông báo tới các đơn vị bán nước sạch về việc điều chỉnh giá. Lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch tăng từ 5.059 đồng/m3 lên 8.326 đồng/m3 vào năm 2023 và tiếp tục tăng lên 9.100 đồng/m3 năm 2024.