Ảnh Internet |
Tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND Thành phố đã đề nghị UBND Thành phố, các sở, ngành làm rõ trách nhiệm, giải pháp để triển khai đối với một số dự án trọng điểm, chậm tiến độ trên địa bàn. Cụ thể, những dự án chậm tiến độ được đại biểu HĐND Thành phố quan tâm, tái chất vấn gồm: Dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong (huyện Chương Mỹ); Dự án Nhà máy xử lý rác thải Châu Can (huyện Phú Xuyên); Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa; Dự án đường trục phía Nam; Dự án Cụm công trình trạm bơm đầu mối Liên Mạc; Dự án 148 Giảng Võ; Dự án 31-33-35 Lý Thường Kiệt; Dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội; Dự án tại số 6 Đào Duy Anh.
Trả lời chất vấn đối với Dự án Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đỗ Anh Tuấn cho biết, nguyên nhân chậm triển khai là khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đồng thời nhà đầu tư đang xin điều chỉnh, nâng công suất xử lý rác.
Còn đối với Nhà máy xử lý rác Châu Can, hiện Sở đã có văn bản đôn đốc chủ đầu tư. Sau khi HĐND chất vấn, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị thay đổi chủ trương đầu tư, nâng công suất của dự án, tăng vốn, điểu chỉnh tiến độ… Tuy nhiên, hiện Dự án chưa tiến hành GPMB, chưa lựa chọn được công nghệ xử lý, năng lực của chủ đầu tư hạn chế… khiến công tác thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn.
Làm rõ thêm nội dung này, Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Trọng Đông cho biết, về Dự án Nhà máy rác thải Châu Can, Thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư và giao Công ty Môi trường đô thị Thăng Long từ năm 2015 và đã xác định ranh giới GPMB nhưng đơn vị chưa triển khai. Đây cũng là đơn vị này trước đây cũng làm chủ đầu tư Nhà máy điện rác Seraphin tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, Sơn Tây. Lãnh đạo Thành phố đề nghị Sở KH&ĐT xem xét kỹ năng lực của nhà đầu tư này và thể hiện rõ quan điểm nếu không thực hiện sẽ thu hồi để kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư công.
Đối với Nhà máy xử lý rác thải Núi Thoong, Thành phố giao đất cho chủ đầu tư với diện tích 10 ha, quy mô 500 tấn ngày đêm. Để triển khai nhà máy xử lý rác thải phát điện thì công suất này hơi nhỏ và nhà đầu tư đề xuất nâng quy mô lên 2.000 tấn. Thành phố cơ bản thống nhất và giao cho các sở, ngành xem xét để nâng công suất, trong đó có thể điều chỉnh quy hoạch.
Phó chủ tịch UBND Thành phố giao Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành đơn vị liên quan sớm có kế hoạch triển khai và trong 1 tháng phải có báo cáo đề xuất với UBND Thành phố đối với 2 dự án này.
Liên quan tới Dự án xây dựng Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết, Dự án đã chậm tiến độ 6 tháng so với phê duyệt của Thành phố. Nguyên nhân do vướng mắc trong công tác GPMB tại quận Hà Đông nên từ năm 2019 đến nay Dự án không triển khai.
Thông tin cụ thể hơn về vướng mắc trong GPMB của Dự án, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Cấn Thị Việt Hà cho biết, Dự án có tổng diện tích 51,6 ha, trong đó diện tích GPMB là 30,74 ha, thuộc địa bàn 6 phường, liên quan 652 tổ chức, hộ gia đình nằm dọc kênh La Khê. Ngay sau khi Dự án được phê duyệt, Quận đã xác định đây là dự án trọng điểm của Thành phố nên đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư và các sở, ngành trong quá trình thực hiện.
"Việc chậm GPMB trách nhiệm chủ yếu của Quận và Quận đã có kế hoạch xác định đến quý III/2022 GPMB xong tối thiểu xong 85% diện tích để giao Sở NN&PTNT. Hết năm 2022, nếu các hộ không đồng tình, Quận sẽ có kế hoạch thực hiện cưỡng chế theo quy định", bà Cấn Thị Việt Hà cho biết.