Hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh mẽ trong thời gian qua đã giúp nhà đầu tư yên tâm tìm kiếm cơ hội tại TP.HCM |
Kết nối đồng bộ đường bộ, đường hàng không
Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết, hạ tầng đô thị Thành phố thời gian qua đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng, nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đường vành đai, trục xuyên tâm đã hoàn thành đưa vào sử dụng. TP.HCM đã phát triển một số khu đô thị mới và chỉnh trang đô thị hiện hữu theo hướng văn minh, hiện đại, hạ tầng xã hội được tập trung đầu tư và có bước phát triển.
Sở GTVT TP.HCM nhận định, hạ tầng giao thông kết nối của TP.HCM đang dần đồng bộ. Đầu tiên, phải kể đến mạng lưới giao thông trục Bắc Nam, nâng cấp và mở rộng QL1A, đường bộ cao tốc Bắc - Nam. TP.HCM cũng đã phối hợp, hỗ trợ các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam hoàn thành các công trình liên vùng nhằm tăng cường khả năng kết nối giao thông, thúc đẩy trao đổi hàng hóa. Các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được đưa vào khai thác. Tuyến Bến Lức - Long Thành đang được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam triển khai. Tổng mức đầu tư của Dự án là 31.320 tỷ đồng (trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng 3.034 tỷ đồng).
Mạng lưới giao thông kết nối với các khu kinh tế, khu công nghiệp (hệ thống cảng biển, sân bay…) đang từng bước đồng bộ. Hệ thống kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất, cảng và đường sắt cũng đang được hoàn thiện, mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Chính mạng lưới hạ tầng giao thông không ngừng được đầu tư mạnh mẽ thời gian qua đã khiến doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm tìm kiếm cơ hội tại TP.HCM. Thành phố đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Dự án Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài có tổng chiều dài 13,6 km với 13 nút giao thông và nhiều cầu (Bình Lợi, Gò Dưa, Rạch Lăng, cầu cạn vượt QL13) đã góp phần giảm tình trạng kẹt xe, ùn ứ giao thông tại khu vực cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất, giúp người dân khu vực phía Đông của Thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất thuận lợi hơn trước rất nhiều. Hệ thống cầu vượt tại các nút giao thông Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh, Trường Sơn - Cộng Hòa... đang được TP.HCM đầu tư đồng loạt. TP.HCM đang cùng với Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cao năng lực khai thác, nâng công suất hệ thống nhà ga Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt khoảng 40 - 50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Khơi thông đường thủy
Đường thủy nội địa đối với một thành phố có gần 1.000 km sông rạch như TP.HCM là rất quan trọng. Với 200 km là tuyến hàng hải gắn với 4 khu vực cảng biển (Cảng trên sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Đồng Nai và sông Soài Rạp), 40 cảng và gần 350 bến, cảng thủy nội địa, hàng hóa lưu thông qua hệ thống cảng biển năm 2015 là 93 triệu tấn/năm. TP.HCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 19/6/2014 Dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) với cao trình nạo vét cho tàu có tải trọng 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT giảm tải ra vào khu cảng Hiệp Phước trên luồng Soài Rạp. “Dự án mang lại hiệu quả về kinh tế rất lớn cho Thành phố. Hiện, Thành phố đang tiếp tục tìm nguồn vốn đầu tư cho dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 3) với cao trình -12m”, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết.
Trải thảm đỏ mời nhà đầu tư vào hơn 100 dự án PPP
Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM:
TP.HCM luôn trải thảm đỏ, kêu gọi và hỗ trợ cho nhà đầu tư để thu hút sự tham gia của khu vực tư vào hạ tầng giao thông. Hơn 100 dự án PPP của Thành phố, trong đó, chủ yếu là dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư khổng lồ luôn được Thành phố ưu tiên gửi gắm cho nhà đầu tư tư nhân. TP.HCM cũng là địa phương triển khai thành công nhiều dự án PPP giao thông nhất. Do đó, chúng tôi luôn có niềm tin khi công bố các dự án này, bởi Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư chia sẻ gánh nặng kinh phí với Thành phố.
Bứt phá từ mạng đường sắt đô thị
Đối với TP.HCM, mạng lưới đường sắt đô thị đang trở thành “át chủ bài” trong các giải pháp phát triển hạ tầng giao thông để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tuyến đường sắt đô thị số 1 với tổng chiều dài 19,7 km, gồm 14 ga đã và đang tạo nên dấu ấn đặc biệt hiện đại của Thành phố. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Tuyến đường sắt đô thị số 2 với tổng chiều dài 11 km trong đó có 9,09 km đi ngầm. Trên tuyến có 10 nhà ga. Hiện đã có nhà tài trợ và đang triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2023.
Tuyến đường sắt đô thị số 5 - giai đoạn 1 (Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn) với tổng chiều dài 8,9 km và tổng mức đầu tư 1,563 tỷ Euro. Giai đoạn 2 (Ngã 4 Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới) và depot Đa Phước với tổng chiều dài khoảng 14,5 km (8,9 km đi ngầm và 5,6 km đi trên cao), gồm 13 ga, có tổng mức đầu tư ước tính khoảng 2,183 tỷ USD.
Theo thông tin từ Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, có đến 9 dự án đang thực hiện chuẩn bị đầu tư, bao gồm: Metro 3a, Metro 3b, Metro 4, Metro 4b, Metro 6, Tramway 1, Monorail 2, Monorail 3, Nhà ga Trung tâm Bến Thành. “Các dự án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị đang được kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, ODA và các nguồn lực tư nhân. TP.HCM sẽ tăng cường quảng bá, thông tin rộng rãi đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đến các dự án này. Thành phố sẽ luôn đồng hành, ủng hộ để nhà đầu tư yên tâm khi bỏ vốn vào các dự án đường sắt đô thị tại TP.HCM – một đô thị năng động bậc nhất”, ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết.