Hai dự án giao thông tại Thái Bình: Thiếu nguồn cung cát và giá vật liệu đe dọa tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tỉnh Thái Bình đang triển khai 2 dự án giao thông trọng điểm, liên kết vùng duyên hải Bắc Bộ để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Đó là, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình và Dự án Đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình. Theo Chủ đầu tư, tiến độ 2 dự án hiện vẫn được đảm bảo nhưng nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng do khan hiếm cát và giá nhiều loại vật liệu chính tăng cao.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình dài 43 km dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Ảnh minh họa: Tường Lâm
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình dài 43 km dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Tuyến đường ven biển Thái Bình nằm trong quy hoạch tuyến đường bộ ven biển Bắc - Nam. Dự kiến trong năm 2023, tuyến đường bộ ven biển đi qua tỉnh Thái Bình dài 43 km có điểm đầu kết nối với tuyến đường ven biển TP. Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định sẽ hoàn thành. Tuyến đường được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT. Nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Phương Anh.

Theo cập nhật tiến độ đến cuối năm 2022, tại địa phận Thái Bình đã có 9 km bàn giao xong mặt bằng và đang triển khai thi công giai đoạn 1; phần còn lại trên địa bàn huyện Thái Thụy và Tiền Hải có chiều dài 34 km đến nay đã thi công khuôn, nền đường trên 25 km.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Bình cho biết, tới ngày 15/3/2023, đối với đoạn tuyến dùng vốn ngân sách nhà nước (từ Km9+076,47 - Km41+936,93), đoạn từ Km9+076,47 đến cầu Trà Lý (Km20+100), nhà thầu đang thi công xử lý nền đất yếu, đắp gia tải, một số vị trí đã thi công đến lớp K98; đoạn từ cầu Trà Lý đến cầu vượt sông Hồng, nhà thầu đang thi công đắp nền K90, K95; đoạn từ Km31+100 - Km31+600, nhà thầu đang thi công lớp cấp phối đá dăm. Về phần cầu, các đơn vị thi công đã hoàn thành 10/12 cầu, cầu Lân 1 đang lao lắp dầm, cầu Km29+793,54 đang thi công mố, trụ cầu.

Với đoạn tuyến dùng vốn BOT (cầu vượt sông Hồng và đường dẫn cầu), đơn vị thi công đã lắp đặt được 15/18 nhịp SuperT và 1 nhịp dầm bản dự ứng lực tại phần nhịp dẫn phía Thái Bình; thi công lắp đặt hoàn thành 5 nhịp SuperT tại phần nhịp dẫn phía Nam Định; đang thi công 3 trong 4 trụ ở phần nhịp chính.

Tại Dự án Đầu tư xây dựng các tuyến đường trục kết nối với các khu chức năng trong Khu kinh tế Thái Bình, 3 trong số 5 gói thầu (tuyến) thuộc Dự án đã lựa chọn được nhà thầu thi công.

Trong đó, Gói thầu Thi công xây dựng công trình tuyến số 1 và tuyến số 2 do Liên danh Công ty CP 873 - Xây dựng công trình giao thông - Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng và Thương mại Phan Quỳnh - Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu Thăng Long thực hiện (giá trúng thầu 307,9 tỷ đồng). Các đơn vị thi công đang triển khai đào nền đường, rải vải địa kỹ thuật, đắp cát nền đường và đúc các cấu kiện đúc sẵn, làm mỏng tường chắn bê tông.

Gói thầu Thi công xây dựng công trình tuyến số 3 do Liên danh Công ty CP Thịnh Vượng TVT - Công ty CP Vinadelta - Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC - Công ty CP Trung Thủy - Công ty CP Nhân Bình - Công ty CP Xây dựng Xuân Quang thực hiện (giá trúng thầu 1.653,5 tỷ đồng). Liên danh nhà thầu đang triển khai các hạng mục công việc như: đào khuôn đường, đắp cát đệm thoát nước K95.

Với 2 tuyến còn lại, tuyến 4 đã được Bộ Giao thông vận tải thẩm định thiết kế bản vẽ thi công và dự toán; tuyến 5 đang trong thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu của các nhà thầu thi công xây lắp.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình (Chủ đầu tư 2 dự án nêu trên) cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc chính ảnh hưởng tới tiến độ của 2 dự án là thiếu nguồn cung cấp cát và giá một số vật liệu chính tăng cao khiến nhà thầu cùng cơ quan quản lý lo lắng có thể ảnh hưởng tới tiến độ dự án, nguy cơ đội vốn lớn.

Ông Huy cho biết, vấn đề giá cát và giá một số vật liệu xây dựng tăng cao là thực trạng chung ở rất nhiều dự án. Vấn đề này đang được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo tháo gỡ, tìm biện pháp tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản cát tự nhiên, bình ổn giá vật liệu. Ở góc độ địa phương, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Thái Bình đề xuất cấp có thẩm quyền rà soát các mỏ cát đang khai thác cũng như các mỏ cát chưa khai thác trên địa bàn. Từ đó, sớm cấp phép, triển khai đấu giá khai thác các mỏ cát, khơi thông nguồn cát mới cho các dự án. Nguồn cung dồi dào mới mong kéo giảm giá cát nói riêng và giá các vật liệu nói chung.