Hai dự án PPP cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Do nhiều nguyên nhân khác nhau, tính đến thời điểm hiện tại, 2 trong số 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng mức đầu tư 25.619 tỷ đồng đang bị chậm tiến độ. Hiện chỉ có cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có sản lượng thực hiện đáp ứng kế hoạch đề ra.
Trong số 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, chỉ có cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm đạt sản lượng đáp ứng kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa: Tường Lâm
Trong số 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, chỉ có cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm đạt sản lượng đáp ứng kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong số 3 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện chỉ có cao tốc đoạn Nha Trang - Cam Lâm có sản lượng thực hiện đạt 31,9% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch đề ra. Dự án được triển khai từ tháng 9/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2023 song nhà đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cam kết rút ngắn tiến độ 3 tháng. Đến nay, vướng mắc về nguồn vật liệu đắp nền đường của Dự án cơ bản đã được tháo gỡ.

Dự án có chiều dài tuyến 49,1 km, tổng mức đầu tư 5.536 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay huy động) là 2.557 tỷ đồng; phần vốn nhà nước là 2.979 tỷ đồng.

Theo Bộ GTVT, sản lượng thực hiện Dự án PPP cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt đạt 6,6% giá trị hợp đồng, chậm 1,9% so với tiến độ điều chỉnh. Dự án có chiều dài 49,3 km, được khởi công tháng 5/2021, dự kiến hoàn thành tháng 5/2024. Bộ GTVT cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng . Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư lập tiến độ thi công điều chỉnh, bố trí nguồn lực bảo đảm tiến độ chung của Dự án. Trong tháng 6/2022, Bộ GTVT đã thành lập 2 tổ công tác kiểm tra, giám sát tiến độ, chấn chỉnh đôn đốc các đơn vị khẩn trương thực hiện Dự án.

Dự án PPP cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng vốn đầu tư là 11.157,82 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư là 5.090 tỷ đồng, phần vốn nhà nước là 6.067 tỷ đồng. Nhà đầu tư trúng thầu là Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, lãnh đạo Cienco4 cho biết, Nhà đầu tư đã dồn toàn bộ nhân lực, vật lực, thi công 3 ca/ngày để bù tiến độ bị chậm. Thời gian qua, giá nguyên liệu biến động bất thường, vật liệu xây dựng khan hiếm, giá xăng dầu tăng mạnh đã gây không ít khó khăn, nhưng xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia, Nhà đầu tư và nhà thầu đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ tổng thể của Dự án.

Bộ GTVT cũng cho biết, hiện Dự án PPP cao tốc đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo có sản lượng thực hiện đạt 14,2 % giá trị hợp đồng, chậm 1,8% so với kế hoạch đề ra. Dự án có chiều dài 78,5 km, có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia thực hiện khoảng 5.139 tỷ đồng. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 9/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2024. Nhà đầu tư là Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Tổng công ty Đầu tư xây dựng 194 đã cam kết rút ngắn tiến độ thực hiện Dự án 3 tháng.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án nói trên là do quá trình triển khai gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng (hiện còn một số ít công trình hạ tầng kỹ thuật chưa được di dời), vật liệu đất đắp nền đường thiếu, biến động giá vật liệu tăng cao, thời tiết diễn biến bất thường, dịch Covid-19… Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ phía nhà đầu tư, nhà thầu thi công chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Thời gian qua, lãnh đạo Bộ GTVT và các cơ quan tham mưu đã tăng cường kiểm tra hiện trường, tổ chức họp giao ban hàng tuần, kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu các Ban QLDA; yêu cầu các Ban QLDA bố trí lãnh đạo, tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết kịp thời các vướng mắc. Đồng thời, yêu cầu các Ban QLDA, nhà thầu ký cam kết về tiến độ hoàn thành dự án…