Hai dự án xử lý rác tại Đà Nẵng: Lùi thời hạn vận hành đến bao giờ?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai dự án trong lĩnh vực môi trường tại bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng) là Nhà máy xử lý rác thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm và Nhà máy đốt rác phát điện công suất 650 tấn/ngày đêm tiếp tục được TP. Đà Nẵng lùi thời hạn đầu tư 2 năm, dự kiến hoàn thành năm 2026. Trước đó, hai dự án này đều đặt mục tiêu năm 2024 đi vào vận hành.
Khu liên hợp xử lý rác Khánh Sơn được quy hoạch đầu tư 2 nhà máy xử lý rác nhưng sau hơn 10 năm, 100% rác thải vẫn phải chôn lấp. Ảnh: Minh Hạnh
Khu liên hợp xử lý rác Khánh Sơn được quy hoạch đầu tư 2 nhà máy xử lý rác nhưng sau hơn 10 năm, 100% rác thải vẫn phải chôn lấp. Ảnh: Minh Hạnh

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng, mỗi ngày trên địa bàn Thành phố phát sinh khoảng 1.200 tấn rác thải sinh hoạt, rác thải rắn. Để thu gom, vận chuyển và xử lý, Đà Nẵng đã đầu tư loạt điểm tập kết rác tại trung tâm các quận trên địa bàn Thành phố, sau đó vận chuyển đến bãi rác Khánh Sơn xử lý theo công nghệ chôn lấp. Hiện tại, khu vực chôn lấp có 6 hố, trong đó, 5 hố đã đầy, hố số 6 đưa vào sử dụng tháng 5/2023, dự kiến sẽ đầy sau 2 năm. Vì vậy, TP. Đà Nẵng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư hố rác số 7.

Để có giải pháp căn cơ trong xử lý rác, Dự án Nhà máy xử lý rác công suất 650 tấn rác/ngày đêm đã có chủ trương đầu tư từ năm 2010. Nhà đầu tư được cấp chủ trương là Công ty CP Môi trường Việt Nam. Dự án được quy hoạch xây dựng trên diện tích hơn 93.000 m2, tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng, xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện. Đến năm 2014, Dự án được phê duyệt điều chỉnh, năm 2016 tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giãn tiến độ.

Năm 2019, TP. Đà Nẵng thống nhất nguyên tắc cho phép Công ty CP Môi trường Việt Nam được liên danh với nhà đầu tư nước ngoài chuyển đổi công nghệ đầu tư Dự án. Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng cho biết, việc nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua phần vốn góp để thực hiện Dự án là không đáp ứng điều kiện bảo đảm an ninh, quốc phòng theo quy định.

Tháng 4/2021, UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, ở nhóm tiêu chí cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm đặt mục tiêu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn theo quy định đến năm 2030 đạt hơn 97%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 100%. Tiến độ đầu tư 2 dự án trọng điểm về môi trường nêu trên khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc hiện thực hóa mục tiêu đề ra.

Để tiếp tục triển khai Dự án, năm 2022, Công ty CP Môi trường Việt Nam chuyển hình thức đầu tư sang hợp tác với 1 doanh nghiệp trong nước là Công ty CP Tập đoàn AMACCAO, đồng thời đề xuất cấp có thẩm quyền cho thay đổi công nghệ đốt rác phát điện của Hồng Kông (Trung Quốc) bằng lò ghi cơ học của Công ty Martin (Đức). Dự án được phân kỳ đầu tư giai đoạn đầu là 2.021 tỷ đồng, nhưng cơ cấu nguồn vốn có đến 80% phải vay từ các tổ chức tín dụng. Đến nay, Dự án vẫn chưa triển khai trên thực tế, trong khi doanh nghiệp đầu tư đã đề xuất và được điều chỉnh đầu tư lần thứ 3 với các nội dung chính: công suất không thay đổi (650 tấn/ngày đêm); thời hạn hoàn thành được kéo dài đến quý III/2026 (trước đó cam kết quý III/2024 hoàn thành); thay đổi phương án công nghệ xử lý xuất xứ từ Hồng Kông thành công nghệ đốt rác phát điện của Đức (công nghệ này sẽ do cơ quan chuyên môn của Bộ TN&MT thẩm định, cấp phép).

Theo ông Võ Nguyên Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, lãnh đạo Thành phố đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hoàn thiện quy hoạch 1/500; thẩm định hồ sơ đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ… của Dự án.

Song song với dự án trên, Đà Nẵng đang lập thủ tục đầu tư Dự án xử lý rác 1.000 tấn/ngày đêm theo phương thức PPP. Dự án được hình thành năm 2017, dự kiến hoàn thành năm 2024, nhưng đến nay vẫn ở giai đoạn nghiên cứu khả thi. Dự án đang được Hội đồng thẩm định do ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng làm Chủ tịch thẩm định, đánh giá. Vào cuối tháng 10/2023, Sở TN&MT đã trình UBND TP. Đà Nẵng đề nghị cấp chủ trương đầu tư tiến tới đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án. Đây là dự án nhóm B, công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt, tổng vốn đầu tư khoảng 2.225,6 tỷ đồng trên diện tích đất 5,1 ha. Theo đại diện Sở TN&MT, trong trường hợp không có nhà đầu tư đăng ký thực hiện Dự án theo phương thức PPP, Thành phố sẽ lựa chọn hình thức đầu tư khác, phù hợp theo quy định.

Tin cùng chuyên mục