Hai dự án y tế tại Quảng Nam: Lòng vòng chậm tiến độ rồi… trả vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hai năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư, các dự án lĩnh vực y tế tại Quảng Nam gặp nhiều khó khăn chưa thể giải ngân nguồn vốn được bố trí. Thậm chí, sau một vòng lập thủ tục đầu tư, gia hạn, điều chỉnh, mời thầu thì lại đi đến phần… trả vốn.
2 dự án y tế tại Quảng Nam có tổng mức đầu tư 296 tỷ đồng, sử dụng vốn hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: NC st
2 dự án y tế tại Quảng Nam có tổng mức đầu tư 296 tỷ đồng, sử dụng vốn hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: NC st

Tháng 8/2022, Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X thông qua Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư 2 dự án đầu tư công nhóm B sử dụng vốn hỗ trợ từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với tổng mức đầu tư 296 tỷ đồng, gồm: Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế (TTYT) tuyến huyện của tỉnh với tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã với tổng mức đầu tư 204 tỷ đồng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Tỉnh được giao làm chủ đầu tư cả hai dự án.

Đến nay, Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 TTYT tuyến huyện mới giải ngân đạt 47% (43,4/92 tỷ đồng). Trong đó, chỉ có TTYT huyện Đại Lộc đã hoàn thành thi công. TTYT huyện Nam Giang, Núi Thành đạt khoảng 90% giá trị hợp đồng; TTYT huyện Tiên Phước đạt khoảng 80% giá trị hợp đồng. Theo kế hoạch, cả 3 TTYT này sẽ hoàn thành trong tháng 7/2024. TTYT huyện Quế Sơn dự kiến hoàn thành theo hợp đồng trong tháng 10/2024. Gói thầu Mua sắm thiết bị y tế (khoảng 7,65 tỷ đồng) đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến hoàn thành mua sắm thiết bị y tế, lắp đặt và bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2024.

Tại các cuộc họp gần đây của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam với các sở chuyên môn về hai dự án trên, nhiều ý kiến cho rằng, Dự án đầu tư 5 TTYT tuyến huyện có thể kịp tiến độ khi chủ đầu tư, nhà thầu đều cam kết hoàn thành trước khi kết thúc niên độ đầu tư. Tuy nhiên, việc hoàn thành Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã Quảng Nam là không thể.

Theo thống kê của Sở KH&ĐT Quảng Nam, trong 76 trạm y tế thuộc kế hoạch đầu tư của Dự án, hiện mới có 15 trạm y tế đang thi công (53,7% khối lượng hợp đồng); 28 trạm đang tổ chức lựa chọn nhà thầu, dự kiến ký hợp đồng thi công xây dựng vào cuối tháng 7/2024; 10 trạm đã được phê duyệt điều chỉnh, đang tổ chức thẩm định thiết kế thi công - dự toán; số trạm còn lại đang sửa chữa các hạng mục hư hỏng, xuống cấp. Đặc biệt chậm là Gói thầu Mua sắm thiết bị y tế (23,3 tỷ đồng) đã phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, mới xây dựng lại cấu hình và thẩm định giá thiết bị để phê duyệt dự toán. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Quảng Nam, đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ giải ngân của dự án này chỉ đạt 7% (14/197 tỷ đồng).

Sốt ruột với tiến độ giải ngân, trong ngày 3 và 22/7/2024, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã hai lần làm việc với Chủ đầu tư và yêu cầu nỗ lực đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục đầu tư, mua sắm hàng hoá, thi công các gói thầu để nâng cao tỷ lệ giải ngân, hạn chế thấp nhất việc mất vốn. Nếu không xử lý được thì báo cáo UBND Tỉnh quyết định.

Lo ngại mất vốn của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam không phải không có cơ sở bởi từng xảy ra với nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Italia cho Dự án Nâng cao năng lực ngành y tế tỉnh Quảng Nam (tổng mức đầu tư 107,1 tỷ đồng). Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh gia hạn 3 lần, thời hạn kết thúc vào 31/12/2023. Hết thời hạn trên, Dự án mới hoàn thành hợp phần xây lắp, giá trị khối lượng nghiệm thu hơn 26,8 tỷ đồng, riêng phần mua sắm trang thiết bị y tế cho 4 cơ sở y tế không kịp giải ngân nên UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép kết thúc Dự án, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đầu tư bằng ngân sách nhà nước.

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam đề nghị UBND Tỉnh xem xét có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về việc nộp trả lại ngân sách trung ương số tiền khoảng 37 tỷ đồng của 2 dự án nêu trên. Chủ đầu tư lý giải, số tiền đề nghị nộp trả lại là tiền tiết kiệm qua đấu thầu xây dựng và chi phí dự phòng của dự án không có khả năng sử dụng hết. Cụ thể, tại Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 TTYT tuyến huyện mới chỉ giải ngân gần 42,2/92 tỷ đồng (đạt 45,9%). Dự kiến, tổng giá trị giải ngân cho toàn bộ Dự án đến cuối năm 2024 sẽ đạt khoảng 80 tỷ đồng. Kế hoạch vốn sẽ “thừa” khoảng 12 tỷ đồng. Còn Dự án Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo và mua sắm trang thiết bị cho 76 trạm y tế tuyến xã mới giải ngân gần 16,5/197 tỷ đồng (đạt 8,4%). Theo tính toán, tổng giá trị giải ngân toàn Dự án khi kết thúc niên độ (31/12/2024) chỉ đạt 172 tỷ đồng, kế hoạch vốn còn tồn đọng 25 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam thừa nhận, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án, nhất là vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì vậy, công tác thẩm định, phê duyệt, triển khai dự án chậm, đe dọa đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư.

Tin cùng chuyên mục