Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên |
Thực hiện cho được các kịch bản tăng trưởng
Không thể phủ nhận dù kinh tế đang diễn biến tích cực, nhưng rủi ro, thách thức vẫn còn nhiều. Chính phủ xác định điều quan trọng lúc này là phải có kịch bản kinh tế chuẩn xác, để từ đó điều hành và quyết liệt thực hiện, tạo ra những thay đổi như đã từng làm được năm ngoái.
Chủ trì Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 là tăng trưởng GDP từ 6,5 - 6,7%, lạm phát kiểm soát ở mức 4%, nhưng Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đạt mục tiêu này ở mức cao, tức là tăng trưởng 6,7%, có điều kiện thì tăng cao hơn nữa.
Cũng theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, dù kết quả đạt được trong quý I/2018 là đáng phấn khởi, nhưng không thể chủ quan. Lý do là vì, 6 tháng đầu năm ngoái, tăng trưởng thấp, lại được tiếp nối đà tăng trưởng của hai quý năm ngoái, nên trưởng GDP đạt tốt. “Nhưng đó là tăng trưởng so với nền thấp. 6 tháng cuối năm nay, tăng trưởng dự báo sẽ chậm lại. Tuy vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,7% là nhất quán”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định và nhấn mạnh đó chính là lý do Hội nghị về thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế năm 2018 được tổ chức, để bàn làm sao thực hiện cho được các kịch bản tăng trưởng kinh tế mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã xây dựng.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh nhấn mạnh, kinh tế trong nước trong các tháng đầu năm vẫn giữ xu thế tích cực từ cuối năm 2017. CPI bình quân quý I tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm 2017 (4,96%); các chỉ số tài chính, tiền tệ đều tích cực, tăng trưởng GDP đạt cao nhất trong 10 năm trở lại đây (7,38%).
Từ diễn biến thực tế của kinh tế - xã hội quý I/2018, Bộ KH&ĐT đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế cho năm nay. Trong đó, theo kịch bản 1, tăng trưởng GDP năm 2018 là 6,7%. Kịch bản này tương ứng với mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức cao (6,7%) theo Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu phấn đấu của Chính phủ đề ra. Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhận định, với mức tăng trưởng của quý I là 7,38%, đây là kịch bản phấn đấu và có thể đạt được.
Kịch bản 2 là tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,8%. Kịch bản này được xây dựng bám sát kịch bản 1, trong đó chỉ thay đổi tăng trưởng của ngành công nghiệp, do xét thấy xu hướng tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo là khá tốt.
“Trong trường hợp không có biến động tiêu cực lớn xảy ra, bối cảnh trong nước và quốc tế thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài khởi sắc, đăng ký doanh nghiệp tăng mạnh và đưa vào hoạt động được các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo lớn, thì mức độ đóng góp của ngành này trong tăng trưởng GDP sẽ được cải thiện vượt bậc. Do đó, kịch bản tăng trưởng 6,8% nếu nỗ lực cũng có thể đạt được”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh lạc quan nhận định.
Không được chủ quan
Theo Bộ KH&ĐT, nhìn vào diễn biến của nền kinh tế trong 3 tháng qua, có thể thấy rõ, tiếp đà tăng trưởng cao của 2 quý cuối năm ngoái, nền kinh tế diễn biến rất tích cực trong quý I năm nay, tăng trưởng đều ở tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.
Từ nay đến cuối năm, động lực tăng trưởng chính, có khả năng tạo bứt phá được dự báo vẫn nằm ở khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu khu vực này đạt mức tăng trưởng cao thì tăng trưởng kinh tế năm nay có khả năng đạt mục tiêu đề ra ở mức cao.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đặc điểm mô hình, diễn biến tốc độ tăng trưởng các quý năm 2018 khác nhiều so với truyền thống. Đó là xu hướng tăng trưởng có thể giảm dần qua các quý, trong đó, tốc độ tăng trưởng của quý I là cao nhất. Nên để tránh tâm lý sớm thỏa mãn với kết quả đạt được, có thể dẫn tới thiếu quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ đã được đề ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải kiên định thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, tuyệt đối không hài lòng với những thành công ban đầu, phải duy trì nỗ lực chung của toàn hệ thống.
“Các bộ, ngành, địa phương phải nắm chắc các nhân tố tạo sự tăng trưởng, nắm chắc khó khăn của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ phù hợp. Đặc biệt, cần làm rõ tình hình của ngành mình, bộ mình, địa phương mình; tháo gỡ kịp thời những khó khăn để đảm bảo tăng trưởng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.