Hai vị trí dự kiến xây dựng sân bay thứ 2 ở phía Nam Hà Nội

(BĐT) - Hà Nội đề xuất hai vị trí xây dựng sân bay thứ 2 vùng Thủ đô ở địa phận huyện Thanh Oai, Thường Tín hoặc huyện Ứng Hòa.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Nội dung trên được nêu trong Tờ trình của UBND Hà Nội gửi HĐND Thành phố về việc thông qua chủ trương định hướng phát triển không gian và hạ tầng đô thị đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Tờ trình dự kiến được HĐND TP. Hà Nội xem xét, thông qua vào kỳ họp tuần tới (3 - 7/7).

Theo tờ trình, Thành phố định hướng quy hoạch thêm cảng hàng không thứ hai vùng Thủ đô nằm ở phía Nam, Đông Nam, là cảng hàng không nội địa, đảm bảo đủ điều kiện để chuyển đổi sang cảng hàng không quốc tế khi cần thiết. Cảng có công suất 30 - 50 triệu hành khách/năm, diện tích 1.300 - 1.500 ha.

Hà Nội dự kiến triển khai sân bay trên sau năm 2030. Thành phố cũng sẽ bổ sung tuyến đường cao tốc đô thị và đường sắt đô thị kết nối từ đô thị trung tâm với sân bay thứ 2 vùng Thủ đô.

Về địa điểm, thành phố đề xuất hai phương án xây sân bay thứ 2.

Phương án 1, địa điểm tại xã Tân Ước và xã Thanh Vân (huyện Thanh Oai), xã Tiền Phong và Tân Minh (huyện Thường Tín). Phương án này có ưu điểm là khoảng cách vào trung tâm Thành phố chỉ 20 - 30 km; gần đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21B, đường Vành đai 4; gần đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị tuyến 2A, tuyến số 1 kéo dài.

Nhược điểm là phải điều chỉnh hướng tuyến của đường trục kinh tế phía Nam, đồng thời cần nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị từ ga Hà Đông đi qua sân bay mới để kết nối trung tâm đô thị vệ tinh Phú Xuyên.

Phương án 2, sân bay dự kiến đặt tại các xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Đường, Hoà Lâm (huyện Ứng Hoà). Ưu điểm của phương án này là sân bay nằm trên trục không gian phía Nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay; liên kết với đô thị vệ tinh Phú Xuyên - đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hoá, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam.

Nhược điểm là nếu xây sân bay ở vị trí này sẽ phải bổ sung tuyến đường sắt đô thị nối ga Hà Đông đến sân bay khoảng 32 km và di chuyển đường điện 500 kV ra khỏi ranh giới sân bay. Ngoài ra, tiếng ồn sân bay có thể ảnh hưởng đến quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn.