Hạn chế cao nhất sự trùng lặp giao thoa giữa các chương trình mục tiêu quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đặt ra mục tiêu yêu cầu cao hơn là giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững. Để tránh trùng lặp giữa Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn tới với các chương trình còn lại, Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình đề xuất ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư; đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến của các đại biểu quốc hội
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến của các đại biểu quốc hội

Ngày 27/7, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững (CTMTQG GNBV) giai đoạn 2021 - 2025. Theo Báo cáo của Chính phủ, CTMTQG GNBV giai đoạn 2021 - 2025 được kết cấu với 6 dự án (11 tiểu dự án). Tổng nguồn vốn đề xuất là 75.000 tỷ đồng. Mục tiêu của Chương trình phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải trình, làm rõ một số vấn đề quan tâm của các đại biểu quốc hội về phạm vi, đối tượng, địa bàn của Chương trình, về sự trùng lặp một số nội dung với Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; cũng như mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, giải pháp, cơ chế thực hiện, tính khả thi dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo của chúng ta đã đạt được những thành tựu nổi bật.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn, giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững, giảm bình quân 1-1,5%/năm.

Trong khi đó, chuẩn nghèo được nâng lên (tiêu chí thu nhập tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng ở khu vực nông thôn; 900 nghìn đồng lên 2 triệu đồng ở khu vực thành thị) sẽ dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ tăng rất cao.

"Giai đoạn này chúng ta phải lo vừa giảm về tỷ lệ nhưng đồng thời phải quan tâm hơn giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Nhấn mạnh tới việc xử lý các trùng lặp giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, CTMTQG GNBV có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc. Trong đó bao gồm các đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, như ảnh hưởng do Covid-19. Cụ thể, đối tượng nghèo ở cả khu vực nông thôn và thành thị, chú trọng các địa bàn còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông dân mới tập trung vào địa bàn nông thôn, các huyện, xã. 2 chương trình này trong giai đoạn 2016 - 2020 đã chạy song song các nội dung tương đối tách bạch. Còn Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về cơ bản có thể hiểu là tách một phần đối tượng và địa bàn từ chương trình giảm nghèo hiện nay. Phạm vi tập trung đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, do đó tương đối tách bạch.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình đề xuất ban hành tiêu chí xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư. Xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp giao thoa. Đồng thời, sẽ đề xuất các cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

Tin cùng chuyên mục