Hàng chục dự án đề xuất “đổi chủ” tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hàng loạt dự án thuộc lĩnh vực dân dụng và công nghiệp trên địa bàn TP.HCM, trong đó có những dự án trọng điểm, quy mô lớn triển khai không thuận lợi vì nhiều vướng mắc. Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM đã có kiến nghị chuyển chủ đầu tư hàng chục dự án thuộc kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, để giảm áp lực và cải thiện tiến độ dự án.
Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM được giao làm chủ đầu tư 91 dự án, với số vốn hơn 3.719 tỷ đồng. Ảnh: Hoài Tâm
Năm 2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM được giao làm chủ đầu tư 91 dự án, với số vốn hơn 3.719 tỷ đồng. Ảnh: Hoài Tâm

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM (Ban QLDA dân dụng và công nghiệp), trong năm 2024, Ban được giao bố trí vốn cho 91 dự án, với số vốn là 3.719,611 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/7/2024, Ban đã giải ngân được 498,192 tỷ đồng, đạt 13,4%.

Ngoài việc tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân 17 dự án chuyển tiếp, Ban còn phải thực hiện công tác quyết toán của 74 dự án và công tác chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc danh mục công trình chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, các công trình phục vụ Đại hội Thể thao lần X tổ chức tại TP.HCM vào năm 2026. “Trong khi đó, một số dự án chuẩn bị đầu tư đang gặp khó khăn, vướng mắc, chủ yếu liên quan đến thủ tục cấp giấy phép môi trường và công tác quy hoạch mà Ban nhận thấy không thể đảm bảo điều kiện khởi công trong năm 2024, dẫn đến không đạt tỷ lệ giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn được giao trong năm 2024 theo chỉ đạo”, chủ đầu tư này lo ngại.

Trong số 74 dự án chuẩn bị đầu tư đã được UBND TP.HCM giao cho Ban QLDA dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư, Ban chủ động đề xuất điều chuyển 23 dự án sang chủ đầu tư khác. Đây đều là các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư và được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Trong đó, đề xuất điều chuyển 19 dự án cho các ban quản lý dự án các khu vực thuộc quận/huyện, TP. Thủ Đức. “Việc điều chuyển này tạo nhiều thuận lợi hơn trong công tác chuẩn bị đầu tư, đặc biệt là công tác điều chỉnh quy hoạch”, lãnh đạo Ban chia sẻ.

Trong số này có nhiều dự án trọng điểm, quy mô vốn lớn như: Dự án Xây dựng mới Khối bệnh nhiệt đới và nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng 2; Dự án Xây dựng mới Trung tâm Đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao; Dự án Cải tạo, mở rộng Bệnh viện quận Bình Tân…

Cụ thể, Dự án Xây dựng mới Trung tâm Đào tạo vận động viên năng khiếu thể thao dù đã được bố trí kế hoạch vốn đầu tư công, nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn thủ tục hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch đối với trường hợp quy mô đầu tư dự án có xây dựng 2 tầng hầm. Dự án cũng chưa hoàn tất thủ tục thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch tổng mặt bằng.

Dự án Cải tạo, mở rộng Bệnh viện quận Bình Tân theo kế hoạch được triển khai trong năm 2024 với tổng mức đầu tư 399 tỷ đồng. Đây là công trình xây dựng cấp II, nhóm B, xây dựng mới 250 giường bệnh. Tuy nhiên, theo Ban dân dụng và công nghiệp, đến nay, UBND quận Bình Tân chưa hoàn tất công tác điều chỉnh quy hoạch 1/2000 để làm cơ sở triển khai lập quy hoạch 1/500 của Dự án.

Dự án Xây dựng mới và cải tạo Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (tổng mức đầu tư khoảng 215 tỷ đồng, kế hoạch hoàn thành nghiệm thu đưa vào sử dụng năm 2026) đang ách tắc về hướng tuyến thoát nước. Sau khi trừ lộ giới để thực hiện tuyến Metro số 2, phần diện tích còn lại của Trường không thực hiện được hạng mục này vì vướng tầng hầm (diện tích tầng hầm xây dựng hết ranh đất sát ranh metro và khu dân cư). Do đó, cần phải lập lại hồ sơ điều chỉnh tổng mặt bằng theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM.

Hàng loạt dự án khác cũng vướng về quy hoạch phân khu (điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị) dẫn tới không đảm bảo tiến độ triển khai, Ban không đủ nhân sự để thực hiện khối lượng công việc phát sinh.

Bên cạnh đó, có 4 dự án mua sắm thiết bị y tế cũng được Ban QLDA dân dụng và công nghiệp đề xuất chuyển chủ đầu tư, gồm: Dự án Đầu tư trang thiết bị y tế khối nhà A - Bệnh viện Trưng Vương; Dự án Mua sắm trang thiết bị chuyên môn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương; Dự án Mua sắm trang thiết bị chuyên môn phục vụ giám định pháp y Trung tâm Pháp y; Dự án Hoàn thiện hệ thống kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị cho khối điều trị nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tại các dự án này, Ban cho biết, có nhiều thủ tục liên quan đến phương án thiết kế đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế, Ban không đủ nhân sự để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đề xuất giao các bệnh viện chủ động làm chủ đầu tư.

Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM dồn lực đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa khi sắp xếp, bố trí nguồn lực lớn cho loạt dự án trọng điểm. Việc hàng loạt dự án theo kế hoạch hoàn thành vào năm 2026 nhưng giữa đường phải chuyển đổi chủ đầu tư đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác chuẩn bị đầu tư, công tác phối hợp triển khai dự án giữa các sở, ban, ngành, quận/huyện mà hiện chưa có giải pháp căn cơ để giải quyết, làm kéo dài thời gian thực hiện dự án.