Hàng loạt ngân hàng thay tướng

Làn sóng thay CEO ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ để đáp ứng với mục tiêu và chiến lược mới của các nhà băng.
Ghế nóng CEO thay đổi để phù hợp với chiến lược mới của các ngân hàng.
Ghế nóng CEO thay đổi để phù hợp với chiến lược mới của các ngân hàng.

Mới nhất là Ngân hàng An Bình - ABBank vừa bổ nhiệm bà Dương Thị Mai Hoa đảm nhận quyền Tổng giám đốc nhà băng thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân từ ngày 4/5. 

Bà Hoa sinh năm 1969, vừa từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc tập đoàn Vingroup cuối tháng 2. Đồng thời bà cũng không hề xa lạ gì với giới ngân hàng khi từng đảm trách Tổng giám đốc Ngân hàng doanh nghiệp thuộc Ngân hàng Hàng hải Việt Nam, CEO Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB),...

Chỉ trước đó một tháng, thị trường tài chính cũng chứng kiến sự ra đi của bà Lương Thị Cẩm Tú - CEO Ngân hàng Nam Á. Theo đó, bà Tú - Tổng giám đốc xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân để thực hiện công việc mới và HĐQT ngân hàng đã bổ nhiệm ông Trần Ngọc Tâm làm quyền tổng giám đốc từ ngày 5/3. 

Lý do từ nhiệm, dù được nhà băng đưa ra là theo nguyện vọng cá nhân của bà Tú, nhưng thực ra là để đề cử sang vị trí quan trọng tại Eximbank - nơi NamABank đang có hơn 20% cổ phần.

Còn tại KienlongBank, mới đây HĐQT đã có quyết định bổ nhiệm bà Trần Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc lên giữ chức vụ quyền tổng giám đốc thay ông Võ Văn Châu chuyển sang làm Phó chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2022.

Ngoài ra, đầu tháng 2 vừa rồi, ông Nguyễn Cảnh Vinh cũng bất ngờ thôi làm tổng giám đốc tại SeABank chỉ sau chưa đầy 5 tháng ngồi trên chiếc “ghế nóng” này. Thay vào đó, ngân hàng một lần nữa bổ nhiệm ông Lê Văn Tần vào vị trí phụ trách điều hành hoạt động ngân hàng trong lúc tìm lãnh đạo mới.

Chia sẻ về quyết định thay đổi CEO, ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch ABBank cho biết, nhà băng tin tưởng vào kinh nghiệm nhiều năm và sự am hiểu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ của vị tân Tổng giám đốc. 

"Chúng tôi kỳ vọng bà ấy sẽ giúp nhà băng gia tăng cơ cấu lợi nhuận từ mảng bán lẻ, tăng trưởng mạnh và bứt phá, tập trung vào lĩnh vực bán lẻ", ông nói.

Giới chuyên gia thì nhìn nhận, thực ra 'làn sóng' thay tướng không phải quá bất ngờ trên thị trường ngân hàng. Bởi việc chọn vị trí CEO điều hành luôn phụ thuộc vào chiến lược của mỗi nhà băng và từng giai đoạn. Quãng thời gian tới, sức ép đến từ thị trường và môi trường kinh doanh với các ngân hàng là rất lớn. Vì áp lực về lợi nhuận, cổ tức là điều không tránh khỏi và CEO nếu không đáp ứng, rất có thể HĐQT sẽ phải chọn người phù hợp hơn. 

Lãnh đạo cấp cao của một ngân hàng cổ phần cũng chia sẻ, khi tuyển dụng CEO, ngân hàng thường lựa chọn theo định hướng có sẵn chứ không vì một tổng giám đốc mà thay đổi chiến lược đó. Ví dụ năm nay muốn phát triển mạnh ngân hàng số sẽ tìm người giỏi digital banking để điều hành.

Ngay bản thân ông Vũ Văn Tiền trước khi rời vị trí Chủ tịch ABBank cũng chia sẻ, ngành ngân hàng đang bước sang giai đoạn 2 của tái cơ cấu hệ thống, với những xu thế như hội nhập, phát triển công nghệ số, cần đòi hỏi những lãnh đạo trẻ có nhiệt huyết. Ông lui về cũng là muốn nhường cho người phù hợp hơn trong bối cảnh mới. Và một khi mục tiêu, ý đồ chiến lược của ông chủ ngân hàng thay đổi thì chiếc ghế nóng CEO đổi chủ là điều khó tránh.

Từng chia sẻ với VnExpress, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận, việc ra đi của các CEO ngân hàng xuất phát từ nhiều lý do. Nhưng phải nhìn nhận đây là điều tất yếu. Sự xáo trộn những chiếc ghế nóng trong ngành ngân hàng gắn liền với mục tiêu, chiến lược mới của các nhà băng, của từng ông chủ và được dự báo sẽ còn rầm rộ hơn trong thời gian tới. 

Đảm đương những công việc tối quan trọng và áp lực bậc nhất của một ngân hàng nên các CEO cũng được những ông chủ trả lương xứng đáng. Chưa có công bố nào cụ thể về mức thu nhập của vị trí này, nhưng thông thường thu nhập của một CEO ngân hàng gồm lương cố định hằng tháng, lương hiệu quả kinh doanh và thưởng do HĐQT chi trả cùng với các quyền lợi về cổ phiếu.

Và một chủ tịch ngân hàng cổ phần phía Bắc từng nói, lương tổng giám đốc hay chủ tịch một tập đoàn lớn của Việt Nam cũng không thể cao như lương CEO ngân hàng.

Nhưng điểm dễ thấy là các CEO ngân hàng mới bổ nhiệm không hề xa lạ trong giới. Chính câu chuyện CEO "chạy" lòng vòng giữa các nhà băng cho thấy thị trường này đang vắng bóng nhân sự chủ chốt và cấp cao.

Tin cùng chuyên mục