Hàng Việt cạnh tranh yếu vì bị động nguyên liệu

(BĐT) - Việt Nam là quốc gia có mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào xuât khẩu. Tuy nhiên, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta đang bị đặt dấu hỏi về sức cạnh tranh. 
Ngành nhựa nội địa chỉ chủ động được khoảng 20 - 25% nguyên liệu  đầu vào. Ảnh: Lê Tiên
Ngành nhựa nội địa chỉ chủ động được khoảng 20 - 25% nguyên liệu đầu vào. Ảnh: Lê Tiên

Nguyên nhân của tình trạng này là doanh nghiệp (DN) Việt đang quá lệ thuộc vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất, kể cả ở những ngành xuất khẩu chủ lực. 

Thiếu nguồn cung nguyên liệu nội

Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu của cả nước giảm gần 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm 1,13 tỷ USD, khu vực trong nước giảm 467 triệu USD. Trong đó, lượng nhập khẩu của nhiều mặt hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất giảm như thủy sản, ngô, đậu tương, thức ăn gia súc, bông, xơ sợi, nguyên liệu dệt may, da giày...

Thoạt nhìn những số liệu này, hẳn nhiều người sẽ khấp khởi mừng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, việc giảm nhập khẩu nguyên, phụ liệu mới chỉ trong giai đoạn ngắn hạn khi đơn hàng xuất khẩu chưa nhiều. Còn thực tế, nhiều lĩnh vực xuất khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu ngoại.

Mới đây, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết, mỗi năm ngành nhựa cần trung bình khoảng 3,5 triệu tấn các loại nguyên liệu đầu vào như PE, PP, PS…, chưa kể hàng trăm loại hoá chất phụ trợ khác nhau. Trong khi đó, nguồn cung trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng gần 900.000 tấn nguyên liệu và hoá chất, phụ gia cho nhu cầu của ngành nhựa Việt Nam. Và theo dự báo đến năm 2020, các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa sẽ cần khoảng 5 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất.

Ông Lam đánh giá, ngành nhựa nội địa hiện mới chỉ chủ động được khoảng 20 - 25% nguyên liệu cũng như hoá chất phụ gia đầu vào. Còn lại phải nhập từ 85 - 90% nguyên liệu đầu vào, khiến cho hoạt động sản xuất của ngành bị phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu và các bán sản phẩm từ nước ngoài. Vì vậy, việc nhập khẩu các loại nguyên liệu nhựa đã không ngừng tăng về số lượng cũng như giá nhập khẩu qua các năm.

Ngay trong lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản, nguyên liệu đầu vào trong năm nay cũng bị “đe dọa” khi nguồn cung nội địa sụt giảm mạnh do tác động của tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch thuộc Bộ Công Thương cho rằng, hệ quả tình trạng này là sản lượng lúa gạo, rau quả, cà phê, tiêu, điều và thuỷ, hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu. 

Cần phát triển mạnh các vùng sản xuất

Cũng cần nhắc lại, trong công bố cách đây không lâu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VSEP), lượng thủy sản mà DN trong nước nhập khẩu về (phần lớn là thủy sản tươi sống, đông lạnh phục vụ chế biến để XK) trong năm 2015 lên tới hơn 1 tỷ USD. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo các DN xuất khẩu, là do giá nguyên liệu trong nước cao hơn so với các nước xuất khẩu cùng loại mặt hàng. Vì vậy, để tăng khả năng cạnh tranh và duy trì tốc độ xuất khẩu, bắt buộc họ phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2015, Việt Nam nhập khẩu 867.000 tấn điều thô từ 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện nay các DN hạt điều nội địa chế biến hơn 1,3 tấn hạt điều/năm, nhưng trong nước chỉ cung cấp được khoảng 500.000 tấn, số còn lại phải nhập khẩu.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, nguyên, phụ liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu được nhập khẩu, do đó phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở nước ngoài. Khi giá cả và chính sách biến động sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu. Vì vậy, theo ông Kiên, cần phát triển mạnh các vùng sản xuất để chủ động cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp, thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu.

Theo phân tích của giới chuyên gia, khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, dù chuyển hướng sang nguồn nguyên liệu từ các nước đã ký kết để được miễn thuế nhập khẩu, thì giá thành nguyên, phụ liệu vẫn sẽ cao hơn nhiều so với nguồn nhập khẩu truyền thống. Đó là còn chưa kể đến nguồn cung trong nước từ các doanh nghiệp FDI vốn có lợi thế về giá lao động, chi phí vận chuyển, thời gian giao hàng. Đặc biệt, việc ngày càng phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu sẽ làm giảm đầu tư cho sản xuất tự cung cấp trong nước. Nhất là khi mức độ ưu đãi về thuế ngày càng cao từ các thị trường nước ngoài.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, khi thị trường mở cửa, nếu chuẩn bị không tốt thì Việt Nam sẽ trở thành vùng trũng tiêu thụ hàng hoá của các nước trong khu vực. Còn nhìn từ góc độ vĩ mô như PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thoát khỏi lệ thuộc nước ngoài, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu mới là đích hướng chính của toàn bộ nỗ lực phát triển của Việt Nam trong giai đoạn trung hạn tới.