Sau thép mạ, đến lượt thép cán nguội Việt Nam bị doanh nghiệp Mỹ kiện vì nghi là hàng Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Kỳ |
Nguy cơ giả mạo xuất xứ
Ngoài vụ kiện trên thì trong 5 năm gần đây, tại thị trường Mỹ, thép Việt Nam bị kiện chống bán phá giá tới 5 vụ và chỉ có kết quả một vụ điều tra sản phẩm ống thép carbon là có lợi cho doanh nghiệp (DN) Việt. Tình trạng này dẫn đến việc thị trường Mỹ chỉ chiếm có 2,8% giá trị xuất khẩu toàn ngành thép Việt Nam.
Hồi tháng 7/2016 cũng xảy ra chuyện thép Trung Quốc nghi “đội lốt” thép Việt xuất sang thị trường EU. Các cơ quan chống gian lận thương mại ở EU đã ghi nhận số lượng lớn các sản phẩm thép cuộn phủ sơn nhập khẩu từ Việt Nam có dấu hiệu gian lận. Họ nghi ngờ khả năng có DN Trung Quốc bán thép vào Việt Nam rồi dùng C/O Việt Nam xuất khẩu sang EU để tránh thuế chống bán phá giá.
Giới chuyên gia nhận định, tình trạng này sẽ gây hại lớn cho ngành thép nội địa khi lượng thép Việt xuất ra các thị trường lớn như Mỹ, EU ngày càng giảm, còn thép Trung Quốc giả mạo xuất xứ lại được hưởng lợi. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2016, sắt thép các loại nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc đã đạt đến 7,3 triệu tấn, tăng 22,1% so cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế cho thấy, thép chỉ là một trong những sản phẩm điển hình đang bị các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU làm khó về xuất xứ hàng hoá. Và đây cũng chính những “điểm nghẽn” đối với các DN Việt Nam muốn tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua quy tắc xuất xứ. Điều này dẫn đến nguy cơ hàng xuất khẩu Việt Nam dần dần mất uy tín trên thị trường quốc tế nếu như các cơ quan quản lý không có các biện pháp kiểm tra chặt chẽ.
Khó tận dụng ưu đãi của các FTA
Thống kê cho thấy, tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA mà Việt Nam đã tham gia hiện nay rất thấp (trung bình 35%). Tức là 65% còn lại là hàng hóa phải chịu mức thuế theo ưu đãi tối huệ quốc (MFN), cao hơn nhiều so với mức thuế FTA. Tỷ lệ này được đo bằng tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế FTA chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu chung đến một thị trường FTA.
Một trong những lý do chính, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương là DN Việt chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ, nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 - 5% mà các FTA mang lại.
Với các FTA cũ, ông Trần Thanh Hải cho rằng tỷ lệ tận dụng còn thấp thì với các FTA mới, trong đó có TPP với những điều khoản phức tạp và chặt hơn, nếu bản thân DN không chủ động cập nhật thì việc cải thiện tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ không khả thi.
Trong khi đó, giới chuyên gia lưu ý, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam sản xuất gia công hàng hóa xuất khẩu dù chưa đủ điều kiện đáp ứng quy định về quy tắc xuất xứ nhưng vẫn ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hoặc hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp C/O. Chưa kể, nhiều trường hợp, hàng hoá của các DN này do không được cấp giấy chứng nhận xuất xứ, dẫn đến việc làm giả C/O.
Nói như ông Trần Thanh Hải, quy tắc xuất xứ đã, đang và sẽ luôn là vấn đề then chốt, cốt lõi của bất kỳ FTA nào. Chỉ khi áp dụng đúng, chính xác quy tắc xuất xứ ưu đãi, thì nhà sản xuất, xuất khẩu mới có được C/O (hoặc tự chứng nhận xuất xứ) ưu đãi để được hưởng thuế quan ưu đãi khi xuất khẩu tới các nước thành viên FTA.