Hạt gạo Việt tự tin đi ra thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thành tựu rất đỗi tự hào của năm 2021 là tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kỷ lục, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Nhiều mặt hàng xuất khẩu (XK), trong đó có gạo, tiếp tục chinh phục các thị trường khó tính. Vị thế của hàng Việt nói chung, nông sản nói riêng, trong đó có gạo, nay đã khác xưa.
Gạo Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế tại nhiều thị trường khó tính. Ảnh: Song Lê
Gạo Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế tại nhiều thị trường khó tính. Ảnh: Song Lê

“Bão” đơn hàng

Lô hàng gạo cuối cùng trong năm 2021 của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời lên tới 4.170 tấn, gồm gạo thơm và gạo trắng vừa được doanh nghiệp (DN) XK thành công. Đây là một trong những lô hàng được sản xuất thông qua chuỗi giá trị nông nghiệp với quy trình canh tác được kiểm soát chặt chẽ từ hạt giống tới thành phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chí khắt khe của thị trường châu Âu.

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ, năm 2021, mảng XK gạo của Tập đoàn đã tăng gấp 4 lần về sản lượng và doanh số so với năm 2020, có thêm 15 đối tác mới trên thị trường quốc tế.

Riêng đối với thị trường châu Âu, ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, tháng 9/2020, Lộc Trời đã XK lô hàng gạo thơm sang EU. Hơn một năm qua, Tập đoàn liên tục phát triển thị trường này và có thêm các đối tác mới tại Thụy Điển và Đức.

Tính chung, trong năm 2021, Lộc Trời đã XK hơn 80.000 tấn gạo trị giá hơn 1.000 tỷ đồng tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, châu Phi, khu vực Trung Đông… Lộc Trời cũng là DN dẫn đầu cả nước về XK gạo sang thị trường EU, chiếm gần 70% lượng gạo XK vào thị trường khó tính bậc nhất này.

Hơn 20 năm có mặt trên thị trường lúa gạo, hiện Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất, XK gạo sạch lớn nhất Việt Nam. Chia sẻ về thành tựu này, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cho biết, Trung An có vùng nông nghiệp sạch trải rộng hàng chục ngàn hecta khắp các tỉnh miền Tây. Mỗi năm, sản lượng gạo sạch của Trung An đạt bình quân 150.000 - 200.000 tấn, vừa cung cấp cho thị trường trong nước vừa để XK.

Năm 2021, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, Trung An vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, giữ cho nguồn cung hàng được ổn định, thông suốt. Công ty liên tiếp trúng thầu XK gạo với giá trị lớn. “Tính cả năm 2021, Trung An trúng thầu tới 48.763 tấn gạo trên tổng hạn ngạch 50.000 tấn mà Hàn Quốc dành cho các nhà XK gạo Việt Nam với mức giá cao”, ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, trước đây, khi chưa có EVFTA, XK mặt hàng gạo thơm của Trung An vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu gần như là con số 0. Tuy nhiên, ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Trung An liên tiếp có đơn hàng vào thị trường này với khối lượng hàng nghìn tấn gạo thơm.

Cùng với gạo, nhiều sản phẩm nông sản khác của Việt Nam như: hồ tiêu, nước mắm, cà phê… ngày càng hiện diện nhiều hơn trên kệ hàng của các siêu thị lớn ở các thị trường khó tính bậc nhất thế giới như: Nhật Bản, Pháp, Phần Lan, Mỹ... Các thương hiệu Việt như nước mắm Phú Quốc; gạo ST25; cà phê Trung Nguyên; sữa Vinamilk... đã khẳng định được vị thế tại nhiều thị trường.

Chất lượng mang tính quyết định

Kể về hành trình đưa hạt gạo Việt xuất ngoại, ông Bình chia sẻ, để Trung An có được thành quả như ngày hôm nay là cả một chặng đường dầy công sức, tâm huyết và đặc biệt là nhờ tư duy mới về sản xuất nông nghiệp, thực hiện nhiều giải pháp nâng tầm chất lượng gạo Việt.

Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp 14 chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông sản (chiếm gần 10% tổng số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ tại Việt Nam), trong đó có 12 chỉ dẫn địa lý là của Việt Nam. Điển hình như: ốc Hương (Khánh Hòa); chè Shan - Phình Hồ (Yên Bái); tôm sú (Cà Mau); bưởi Soi Hà (Tuyên Quang)… Cục đã xúc tiến hỗ trợ địa phương đăng ký chỉ dẫn địa lý “vải thiều - Lục Ngạn” thành công tại Nhật Bản.

“Hơn chục năm nay, Trung An đã đầu tư xây dựng thương hiệu gạo bằng việc tập trung chuyên sâu vào sản xuất, chế biến và XK các loại gạo có chất lượng cao, thơm ngon đạt tiêu chuẩn GlobalGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế) và Organic (hữu cơ) để người tiêu dùng được ăn gạo không có dư lượng thuốc hóa học”, ông Bình cho biết. Đến nay, các nhãn hiệu gạo của Trung An như gạo sạch, gạo hữu cơ Trung An đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước tin dùng.

Xác định sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, với gần 30 năm phát triển, Lộc Trời tiên phong triển khai canh tác lúa gạo bền vững theo tiêu chuẩn SRP (Sustainable Rice Platform) cùng với hệ thống sản xuất lúa gạo đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe trên thế giới. Công ty lai tạo, chọn lọc ra các giống lúa mới chất lượng cao phục vụ sản xuất. Trong đó, giống Lộc Trời 1 được sử dụng để sản suất ra gạo Hạt Ngọc Trời Thiên Long đạt Top 3 gạo ngon nhất thế giới năm 2015…

Không chỉ Trung An, Lộc Trời, đến nay, nhiều DN nông nghiệp khác như Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh; Công ty CP Agricam (Cần Thơ)… cũng đang chọn hướng đi phát triển bền vững để vươn ra thị trường thế giới.

Và mối lo thương hiệu

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại, Việt Nam là một trong những cường quốc thế giới về gạo, chất lượng cũng ngày càng được nâng cao, nhưng lâu nay, thương hiệu gạo Việt chưa được thế giới biết đến nhiều.

Thậm chí, “gạo Việt được nhiều quốc gia nhập khẩu về đóng gói và bán dưới một tên gọi khác, mang xuất xứ và thương hiệu ở một nước khác. Thực sự rất đau lòng”, ông Bình chua xót.

Thực tế cho thấy, việc không có thương hiệu không chỉ làm giảm giá trị gạo Việt Nam trên thị trường thế giới mà còn kéo theo nhiều hệ lụy. Theo ông Bình, đến nay, gần 70% lượng gạo XK của Việt Nam là gạo chất lượng cao nhưng giá bán vẫn thấp, dẫn đến giá trị thu về không thay đổi nhiều so với thời kỳ XK gạo thường, đó là do chưa làm thương hiệu tốt.

Bài học nhãn tiền về việc gạo ST25 của Việt Nam - “gạo ngon nhất thế giới” bị DN nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Mỹ hồi đầu năm 2021 cho thấy, DN Việt Nam vẫn còn chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Để đưa gạo cũng như nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vươn xa vào thị trường thế giới, bên cạnh việc quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa thì DN cần chú trọng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để định vị thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng. Điều này không chỉ có ý nghĩa kinh tế đơn thuần là giải bài toán cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu Việt Nam thời hội nhập, tránh chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”.

Năm 2022 và những năm tới, các dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, triển vọng phát triển ngành nông nghiệp rất xán lạn. Đối với gạo, ngay từ những ngày đầu năm 2022, nhiều lô hàng gạo XK đã rời cảng. Dự báo ngành gạo nói riêng và nông sản nói chung năm nay sẽ có sự bứt phá cả về lượng và giá do cầu tăng mạnh, gạo Việt được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục